Tăng sức khắc phục khó khăn từ xung đột thương mại

25/03/2022 14:50 (GMT+7)
(KD&BM) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến quá trình giao thương xuất nhập khẩu và thanh toán giao dịch ngân hàng giữa Việt Nam với hai quốc gia chịu sự ảnh hưởng không nhỏ. Để khắc phục khó khăn, doanh nghiệp Việt cần nhiều giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Thực tế, Nga và Ukraine đều là những đối tác thương mại truyền thống và quan trọng của Việt Nam tại khu vực Á-Âu. Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương) cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ukraine năm 2021 đạt 720,5 triệu USD, tăng 50,6% so với năm 2020, cụ thể xuất khẩu từ Việt Nam đạt 344,6 triệu USD, tăng 21%, nhập khẩu từ Ukraine đạt 375,8 triệu USD, tăng 94,2%. Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng và các biện pháp trừng phạt kéo dài sẽ khiến cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam và hai quốc gia này bị ảnh hưởng không nhỏ.

Thực tế, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam liên quan đến 2 thị trường này đang dần cảm nhận rõ hơn về những tác động của cuộc chiến. Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vận tải quốc tế, cụ thể là lô hàng chưa thể chuyển sang Nga vì đang tắc ở kho Hà Lan, việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga cũng đang chậm tiến độ. Tương tự, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh mỗi tháng đều xuất khoảng 5 container sản phẩm từ nông sản sang hai thị trường Nga và Ukraine, sau khi cuộc xung đột diễn ra, các tuyến tàu vận chuyển quốc tế không có chuyến tàu nào đi Nga nữa nên hàng nghìn sản phẩm đã chuẩn bị đành phải dừng tất cả lại và lưu kho.

Bên cạnh đó, việc Nga bị loại khỏi hệ thống của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đã và đang có những tác động nhất định tới kinh tế và hoạt động giao thương của Việt Nam. Ông Trần Đắc Nông, chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, hệ thống thanh toán quốc tế chủ yếu được thực hiện qua hệ thống SWIFT nên dòng chảy vốn giữa Việt Nam và Nga đều bị ngưng trệ trong khâu thanh toán. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu của ông sẽ phải đối mặt với rủi ro phải bồi thường hợp đồng vị không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán hoặc mất trắng đơn hàng đã cung cấp với các đối tác Nga.

Không chỉ vậy, tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh rất khó khăn, bất ổn trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine mới nổ ra gần đây đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng toàn cầu. Việc giá dầu thế giới tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, Việt Nam phải nhập khẩu để cung cấp cho các doanh nghiệp cũng như là nhu cầu của người dân. Những biến động như vậy ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân.

Điều này vô tình đã tác động đến hiệu quả tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát của Việt Nam. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát của Việt Nam, qua đó, tạo sức ép lên các biện pháp điều hành kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Theo tính toán, thâm hụt thương mại xăng dầu sẽ tăng lên mức 9 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm sẽ tăng thêm 0,8-1 điểm phần trăm, lên mức 3,8-4,2%...

Nếu lạm phát tăng cao sẽ dẫn đến hệ quả là giá các mặt hàng trên thị trường bị đẩy lên mức cao mới, làm tăng chi phí đầu vào nên giá thành sản phẩm của doanh nghiệp sẽ tăng thêm, tạo ra nhiều bất lợi khi cạnh tranh với hàng xuất khẩu của các nước khác, một chuyên gia khẳng định.

Tìm giải pháp tình thế và lâu dài

Để khắc phục khó khăn. PGS.TS Phan Thị Hằng Nga, Phụ trách Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm kiếm các giải pháp tình thế. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiến hành đàm phán với các đối tác của Nga khi gặp khó khăn ở khâu thanh toán như kéo dài thời gian giao hàng hoặc kéo dài thời gian thanh toán, chuyển đổi phương thức thanh toán như phương thức thanh toán ghi sổ hoặc thay đổi người thụ hưởng là bên thứ ba, có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp của Nga và ở quốc gia khác.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần nhanh chóng có kế hoạch và triển khai các giải pháp để mở rộng thị trường quốc tế để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào hoạt động xuất nhập khẩu với Nga để đảm bảo hoạt động kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tăng cường liên kết, đàm phán với Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) - nơi có kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt – Nga để giúp các doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán quốc tế giữa 2 nước thuận lợi và dễ dàng hơn.

Nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine" diễn ra gần đây, TS. Trần Quốc Hùng, Nguyên Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế IIF (Washington DC) cho rằng, ảnh hưởng xung đột hiện nay khiến các doanh nghiệp đang làm ăn với thị trường Nga sẽ gặp khó khăn trước mắt. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần xem đây là cơ hội để chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới. Theo đó, Việt Nam có thể tăng cường tham gia thị trường EU ở một số lĩnh vực như nông phẩm, lương thực để thay thế nguồn hàng từ Nga và Ukraine. Nhưng việc có thể tận dụng nó dài lâu hay không lại phụ thuộc vào chính doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần quyết tâm thay đổi, nhất là về mặt tiêu chuẩn và công nghệ, để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như châu Âu và Mỹ.

Cùng chung nhận định này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định, Việt Nam phải có chiến lược dài hạn xây dựng thể chế kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu, khả năng tự chủ của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia trước những biến động của quốc tế. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tích hợp thêm các giải pháp để đối phó vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Chẳng hạn, nếu cuộc chiến giữa Nga - Ukraine phát sinh vấn đề cần phải ưu tiên ngay thì có thể dành nguồn lực trong chương trình phục hồi kinh tế chuyển sang để khắc phục ngay hệ quả của cuộc xung đột thương mại. Với vai trò trung tâm, hiệp hội và doanh nghiệp cũng phải cùng chụm đầu và bàn về tình hình, tìm ra biện pháp chủ động.

Phong Việt

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.