Ảnh minh hoạ
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu sầu riêng trong 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 2,1 Tỷ USD, đạt mức cao kỷ lục. Nhìn chung, trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, 6% còn lại là hàng đông lạnh và hàng sấy.
Về thị trường nhập khẩu Sầu Riêng, Trung Quốc vẫn giữ vị trí đầu tiên cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo hai tháng cuối năm 2023, Việt Nam có thể thu về 200-400 triệu USD từ xuất khẩu sầu riêng, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD.
Sầu riêng trái vụ của Việt Nam bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 10. Hiện, các kho hàng ở miền Tây và Tây Nguyên thu mua sầu riêng Monthong Thái với giá lên tới 150.000 đồng một kg, tăng 25-30% so với đầu tháng và tăng 60% so với hàng chính vụ.
Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng trên 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350.000 tấn, quý IV ước đạt 260.000 tấn. Cục trồng trọt đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định từ phía nhà nhập khẩu để giữ uy tín cho hàng Việt.
Theo ghi nhận từ thị trường, ngày 1/12/2023 giá sầu riêng Ri6 tăng nhẹ so với ngày hôm qua khoảng 5.000 đồng/kg ở mức 100.000-112.000 đồng/kg; sầu riêng Thái 125.000-145.000 đồng/kg không tăng so với hôm qua; sầu riêng Musaking 160.000-190.000 đồng/kg không tăng so với hôm qua.
Giá sầu riêng ổn định ở mức cao là do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao vì được tiểu thương và doanh nghiệp thu mua để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, vụ sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên đang gần cuối vụ nên sản lượng giảm dần. Do đó, giá sầu riêng thời gian tới có thể tăng lên. Tây Nguyên là vùng trồng có diện tích lên đến 70.000 ha chiếm khoảng 50% của Việt Nam. Sầu riêng Tây nguyên hấp dẫn thị trường Trung Quốc vì thời điểm này hàng Thái đã hết vụ.
Bên cạnh đó, sầu riêng Việt ngày càng có lợi thế khi ký được Nghị định thư với Trung Quốc. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái, Malaysia và Phillipines. Nếu sầu riêng Việt Nam được chăm chút về kỹ thuật, hàng sản xuất ra chất lượng cao sẽ không lo mất thị phần tại Trung Quốc. Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt cũng đang hút khách Mỹ và Canada.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp cho biết, cho thấy nếu như năm 2010, cả nước có 92.000 ha sầu riêng, đến nay đã tăng lên 131.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%.
Chính Thuần - Quỳnh Anh