Quản lý thuế với giao dịch có liên kết: Không phân biệt doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay trong nước

21/11/2020 16:20 (GMT+7)
Chiều 9/11, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo công bố những điểm mới của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP) về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32 và Nghị định số 20). Tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thuế đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến các nội dung mới của Nghị định số 132.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trả lời phóng viên tại buổi họp báo ngày 9/11/2020

Việc ban hành Nghị định 132 là có cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Luật Quản lý thuế số 38 và cả Luật Thuế TNDN hiện hành không giao Chính phủ hướng dẫn với các nội dung khai thuế với các giao dịch liên kết. Việc Chính phủ ban hành Nghị định này để hướng dẫn có đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không?, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Nghị định số 132 cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38. Quốc hội cũng đã giao Chính phủ hướng dẫn các nội dung về vấn đề giao dịch liên kết.

“Chúng tôi đã nghiên cứu, báo cáo các cấp có thẩm quyền. Việc ban hành Nghị định số 132 hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ; Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định về mặt pháp lý. Căn cứ ban hành Nghị định là chính xác. Khi đưa ra các biện pháp cụ thể hóa trong Nghị định 132 sẽ tăng cường trách nhiệm kê khai của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế nhà nước. Rõ ràng sẽ đem lại hiệu quả về mặt thu ngân sách nhà nước.” - Ông Minh khẳng định.

Quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là thông lệ tốt của các nước

Cũng theo ông Đặng Ngọc Minh, trong quá trình xây dựng chính sách, ngay từ đầu các DN FDI đã rất tích cực tham gia góp ý một cách bài bản, thông qua các đại diện của mình như EuroCham (châu Âu), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đây là quy định tuân thủ chương trình hành động BEPS, nên trong các Hội thảo giữa cơ quan thuế, Ngân hàng Thế giới (WB) các chuyên gia quốc tế đã tích cực đóng góp các ý kiến vào dự thảo dưới góc nhìn từ các DN nước ngoài.

Các DN FDI tin tưởng rằng các quy định trong dự thảo Nghị định của Việt Nam không phải mới mà là thông lệ tốt mà các nước vẫn thường áp dụng để chống chuyển giá; các DN có nghĩa vụ phải tuân thủ. Do đó, khi Nghị định số 20 ban hành, đối với DN FDI không có gì mới lạ.

Trong khi đó, với một số DN trong nước, khi cơ quan quản lý lấy ý kiến chung về Nghị định số 20, họ tham gia không đầy đủ, không toàn diện. Do đó, khi Nghị định 20 được ban hành, đã phát sinh vướng mắc về chi phí lãi vay. Đây là vấn đề lớn nhất.

Tuy nhiên, khi nắm bắt được khó khăn của các DN trong nước, chúng tôi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền, kịp thời ban hành 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP và áp dụng hồi tố cho giai đoạn năm tính thuế 2017, 2018. Sau khi ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP, cơ bản các DN đã được thỏa mãn, không phát sinh vướng mắc.

Thực tế, DN Việt Nam khó khăn vì tình trạng chung là vốn chủ sở hữu ít. Một tập đoàn có thể thành lập hàng trăm công ty nhưng nếu xem xét cụ thể vốn của từng pháp nhân thì rất mỏng.

Khi ban hành Nghị định kiểm soát về chi phí lãi vay với mục đích để lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, đảm bảo công bằng giữa các DN…

Không có chênh lệch lãi suất nhưng DN vẫn có thể có hoạt động chuyển giá

Tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, từ Nghị định số 20 đến Nghị định số 132, Nghị định số 68 đều là Nghị định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết. Không phân biệt là doanh nghiệp liên kết với nước ngoài hay là doanh nghiệp trong nước, phải đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Bản thân các nước khi ban hành các quy định về giao dịch liên kết, phải tuân thủ nguyên tắc là áp dụng chung cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Ngay bản thân các DN Việt cũng vươn ra đầu tư nước ngoài; khi đã đầu tư nước ngoài, có liên kết nước ngoài thì các DN trong nước cũng phải tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết.

Ngoài ra, chúng ta có chính sách ưu đãi giữa ngành nghề khó khăn; chính sách ưu đãi theo địa bàn, lĩnh vực. Một tập đoàn trong nước cũng đa nghề, đa lĩnh vực, khi có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực và có quan hệ liên kết thì sẽ phát sinh vấn đề chuyển lợi nhuận từ DN ở địa bàn có thuế suất cao sang DN có thuế suất thấp.

“Kể cả trong trường hợp không có chênh lệch lãi suất nhưng DN vẫn có thể có hoạt động chuyển giá do các hoạt động, lĩnh vực có thể thời điểm này DN thì lỗ, DN kia thì lãi nhiều. Nên họ vẫn có thể thông qua hoạt động chuyển giá, giao dịch giữa các bên liên kết để chuyển lợi nhuận từ DN có lãi sang DN lỗ. Thực tế, trong nước cũng có hoạt động chuyển giá, vì vậy nghị định này sẽ điều chỉnh tất cả nội dung đó"- ông Minh nói.

Giảm lỗ khoảng 9000 tỉ đồng qua thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Thông tin tại buổi họp báo, ông Minh cho biết, tính đến cuối năm 2019 có khoảng 16.500 DN kê khai là có quan hệ liên kết. Trong đó, xấp xỉ 8.000 DN kê khai có giao dịch liên kết.

Cơ quan thuế cũng đã thực hiện thanh, kiểm tra. Số thuế truy thu của năm 2017, 2018, 2019 xấp xỉ 2.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng thực hiện giảm lỗ rất lớn. Năm 2019, đã giảm lỗ khoảng 9.000 tỉ đồng; 2020 (9 tháng đầu năm), ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 263 DN có giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn, phạt là 525 tỉ đồng. Trong đó, 177 DN FDI, số thuế truy thu của các DN FDI khoảng 442 tỉ đồng….

Theo Cổng thông tin Bộ Tài Chính

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.