Ảnh minh hoạ
Nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân, Sở Công Thương đã chỉ đạo, hướng dẫn nhiều cơ sở sản xuất lên kế hoạch, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân, tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết năm 2024 trên địa bàn khoảng 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023, trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản các vùng, miền.
Theo Sở Công Thương, đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cần nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ nhân dân.
Nhằm kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở dự kiến sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu như tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.
Hiện, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 137 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn, 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn… Bên cạnh đó còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để xảy ra tình trạng khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết trên địa bàn TP Hà Nội.
Minh Đức (T/h)