Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị trao đổi thống nhất nội dung hồ sơ trình phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Trên cơ sở “Thoả thuận khung về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh” đã ký ngày 26/6/2023 giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), ngày 19/7/2023 UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 941 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Lạng Sơn xây dựng đề án để triển khai thực hiện. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng dự thảo và hoàn thiện các quy trình nội bộ đối với đề án.
Để đảm bảo chất lượng, có đủ cơ sở, điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, từ ngày 16/9/2023 đến ngày 8/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã gửi công văn, văn bản cũng như tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan.
Sau hai lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119 - 1120 và khu vực mốc 1088/2 - 1089 thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị có một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Trước đó, trong chương trình công tác tại Lạng Sơn, ngày 21/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) và Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cặp cửa khẩu kết nối tình hữu nghị, kết nối giao thông, kết nối kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Tây.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tích cực hoàn thiện Đề án xây dựng cửa khẩu thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, cần phải đầu tư về hạ tầng, con người, phương tiện, quản lý phải thông minh. Các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lạng Sơn để thúc đẩy việc này.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Xây dựng cửa khẩu thông minh là một nội dung mới, chưa có tiền lệ, quy định pháp luật điều chỉnh; nội dung đề án có nhiều vấn đề mới, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương;... Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn mong muốn các bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, từ đó giúp tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng bắt tay triển khai các bước đầu tư, xây dựng cửa khẩu thông minh.
Dự kiến gần 8.000 tỷ đồng để triển khai Đề án
Lạng Sơn đang dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án cửa khẩu thông minh là 7.966 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 kinh phí thực hiện là 2.485 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 5.481 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2028 sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đánh giá công nghệ và hạ tầng, trong đó sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo, xe tự hành không người lái, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.
|
Hồng Như (t/h)