Hàng hoá nhập khẩu tăng 5,3%
Kỳ 1 tháng 8/2023, trị giá nhập khẩu hàng hóa đạt 14,22 tỷ USD, tương ứng tăng 714 triệu USD về số tuyệt đối, tăng so với kỳ 2 tháng 7/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 491 triệu USD, tương ứng tăng 13,6%; xăng dầu các loại tăng 151 triệu USD, tăng 38,8%...
Như vậy, tính đến hết 15/8/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 193,18 tỷ USD, giảm 22% (tương ứng giảm 54,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm mạnh như điện thoại các loại & linh kiện giảm 9,18 tỷ USD, tương ứng giảm 66,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 7,31 tỷ USD, tương ứng giảm 12,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 5,76 tỷ USD, tương ứng giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 9,22 tỷ USD, tăng 6,9% so với kỳ 2 tháng 7/2023. Kỳ 1 tháng 8/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 124,51 tỷ USD, giảm 22,6% (tương ứng giảm 36,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,5% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Xuất phát từ những khó khăn từ đầu năm 2023 về xuất nhập khẩu nói chung, theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 8/2023 (từ ngày 01/8 đến ngày 15/8/2023) đạt 28,65 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 1,03 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2023.
Liên tiếp vài tháng tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu đều có dấu hiệu tăng trưởng đáng kể. Trước đó, kỳ 2 tháng 7 (16-31/7), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 13,5 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% (117 triệu USD) so với nửa đầu tháng 7. Liên tiếp vài tháng trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu đều có dấu hiệu tăng trưởng.
Trong nhiều năm, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh luôn giữ vững là các địa phương dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 31,1 tỷ USD, Hà Nội đạt 20,2 tỷ USD, Bắc Ninh đạt 17,5 tỷ USD, Bình Dương đạt 12,2 tỷ USD) và Hải Phòng đạt 11,4 tỷ USD.
Theo báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP. Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD; tỉnh Bắc Ninh đạt 42,5 tỷ USD, duy trì vị trí thứ hai cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh.
Với những kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 8/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/8/2023 đạt 402,61 tỷ USD, giảm 16,2%, tương ứng giảm 78,02 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu cần lưu ý
Nhằm kiểm soát nguồn gốc hàng hoá nhập khẩu, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các chính sách mới liên quan đến xuất nhập khẩu có hiệu lực tháng 7/2023 được quy định trong Quyết định 15/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 26/2023/NĐ-CP, Thông tư 33/2023 và Thông tư 36/2023 của Bộ Tài chính.
Quy định về áp dụng thuế suất thông thường với hàng hoá nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 15/2023/QĐ-TTg đã có hiệu lực từ 15/7/2023. Theo đó, biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường với hàng hoá nhập khẩu sẽ gồm danh mục của mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi bằng 0% (mô tả hàng hoá và mã hàng 08 chữ số: 97 chương theo danh mục hàng hoá nhập khẩu Việt Nam)...
Cũng từ ngày 15/7/2023 cũng là ngày có hiệu lực của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hoá xuất nhập khẩu, sẽ có hiệu lực từ ngày 17/7/2023. Theo đó, trước khi xác định xuất xứ hàng hoá xuất nhập khẩu, người khai hải quan phải thực hiện xác định trước xuất xứ. Và điểm mới trong hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hoá xuất nhập khẩu ở Thông tư 33/2023/TT-BTC so với quy định cũ tại Thông tư 38/2018/TT-BTC.
Ngày 6/6/2023, Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 36/2023/TT-BTC quy định về mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), chính sách mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực vào tháng 7/2023.
Trên đây là những chính sách đã có hiệu lực vào tháng 7/2023 giúp khơi thông dòng chảy hàng hoá xuất, nhập khẩu, thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng kiểm soát, xác định rõ biểu thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Chính Thuần