Dấu ấn khắc ghi trong sử sách

26/07/2024 10:05 (GMT+7)
Dòng người đổ về ba địa điểm tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như không dứt. Từ cựu chiến binh lão thành tới các em nhỏ đi cùng cha mẹ, ai cũng muốn đến bày tỏ sự tôn kính và niềm tiếc thương đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chú thích ảnh

Sáng 26/7, người dân xúc động khi chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà của đồng chí ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Tối 25/7, càng về khuya, dòng người đổ về Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) càng đông. Ngày 26/7, ngay từ sáng sớm, dòng người tiếp tục đổ về những địa điểm tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bao gồm cả quê nhà của đồng chí ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong số đó, có những cựu chiến binh từ lâu đã qua tuổi ‘thất thập cổ lai hi” đến từ vùng núi cao và cả những em nhỏ cổ quàng khăn đỏ đi cùng cha mẹ.

Tất cả đều xếp hàng trật tự, kiên trì chờ, dù có lúc như ở TP Hồ Chí Minh trời đã đổ mưa, để có thể vào thắp nén tâm nhang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những giọt nước mắt đã tuôn rơi trong niềm thương tiếc một nhà lãnh đạo lỗi lạc, cả cuộc đời hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trước đó, không ai bảo ai đều thay ảnh đại diện bằng những dòng thương nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng nhau dẫn lại những câu nói nổi tiếng, đi vào lòng người của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người còn viết thơ, phổ nhạc ca ngợi công lao của ông.

Chú thích ảnh

Lực lượng quân đội giúp người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Cả một đời liêm chính, chí công vô tư, vì nước vì dân, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể nói đã trở thành nỗi nhớ và sự tiếc thương muôn phần khắc ghi trong lòng người Việt Nam. Ông thực sự là tấm gương sáng ngời về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những ngày qua, hình ảnh ông trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vẫn quây quần gói bánh chưng cùng vợ con và các cháu trong căn nhà công vụ với bức tường thấm loang dịp Tết Kỷ Hợi 2019; hình ảnh một nguyên thủ quốc gia áo khoác sờn tay nhiều năm mặc, dùng ô tô cũ kĩ chẳng nề chi… có lẽ đã chạm tới tầng sâu nhất của triệu triệu trái tim người dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước ta đã chuyển mình mạnh mẽ, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”. Về kinh tế, đất nước ta chưa giàu có như mong muốn, vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, nhưng rõ ràng các cường quốc 5 châu đã phải hết sức tôn trọng. Nguyên thủ nhiều cường quốc sẵn sàng bỏ qua tiền lệ hay lễ nghi để đến Hà Nội củng cố, nâng cấp quan hệ với Việt Nam.

Chú thích ảnh

Lá thư của bà Naly Sisoulith, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN

Và khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số nước như Cuba và Lào đã để Quốc tang. Bạn bè quốc tế cũng không quản ngại đường xa, thậm chí là “nửa vòng Trái đất” để đến viếng, chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cũng là để chia tay lần cuối với nhà lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam. Đặc biệt, trước khi cùng chồng sang Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Naly Sisoulith, Phu nhân Tổng Bí thư đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, đã viết thư tay gửi đến bà Ngô Thị Mận, Phu nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong bức thư “viết bằng nét mực nhòe, trộn với nước mắt”, bà Naly Sisoulith cho biết bà đã “thật sự đứng tim, không thể nói nên lời” và “không thể cầm được nước mắt” khi được chồng mình cho biết “anh Nguyễn Phú Trọng đã mất". Bà Naly Sisoulith viết: “Chị Mận thân mến ơi, tất cả người dân Việt Nam và người Lào đều biết đến tên tuổi anh Trọng, là một người đã cống hiến không biết mệt mỏi trọn cuộc đời của mình cho đất nước và nhân dân Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng”.

Chú thích ảnh

Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi sổ tang. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi gặp Bác Hồ, nhưng như khẳng định của Chủ tịch nước Tô Lâm ghi trong sổ tang, đó là: “Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm trong lòng nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng”. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát vô cùng to lớn với toàn Đảng, toàn dân và chúng ta tin rằng những dự định, ý tưởng còn dang dở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được cụ thể hoá bằng sự đoàn kết đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của các thế hệ người Việt Nam để sự ra đi của đồng chí không chỉ là nỗi nhớ thương, mà còn là thôi thúc cho hành động thiết thực nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc mà đồng chí trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.

Theo TTXVN

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.