Tìm đầu ra cho ngành sầu riêng tại Việt Nam: Bài học từ Thái Lan

26/08/2021 14:35 (GMT+7)
(KD&BM) - Mới đây theo UBND Đắk Lắk vào ngày 10/08/2021, Đắk Lắk hiện đang có 103,000 tấn sầu riêng và 40,000 tấn bơ đang vào vụ thu hoạch nhưng không có thương lái thu mua và khó vận chuyển nên cần hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và các Tỉnh thành hỗ trợ tiêu thụ.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và các Tỉnh miền Nam nên khâu vận chuyển khá khó khan. TP HCM là nơi tiêu thụ mạnh nhất nhưng bị tắc khâu lưu thông nên hàng khó vận chuyển đến nơi này. Khối lượng tồn kho nhiều, trong khi kho cấp đông ở Tỉnh Đắk Lắk không đủ lớn dẫn đến giá Sầu riêng giảm còn một nửa từ 50,000-60,000 đồng/kg xuống còn 25,000-30,000 đồng/ kg mà vẫn không có người mua. Có thể nói đây không chỉ là nỗi đau của bà con nông dân trồng Sầu riêng tại Tây Nguyên và còn là vấn đề nan giải của Bộ, Ban, Ngành các cấp liên quan trong nỗ lực tìm đầu ra cho ngành sầu riêng tại Việt Nam.

Nhu cầu của thị trường Thế giới còn rộng mở

Theo freshplaza.com, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu đã đạt 20 tỷ USD vào năm 2020, ước tính sẽ đạt 28.6 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7.2% trong giai đoạn từ năm 2019-2025.

Trong số các sản phẩm làm từ trái sầu riêng, thì sản phẩm bột và sầu riêng dạng nhuyễn cấp đông chiếm thị phần lớn, trong năm 2018 các sản phẩm này chiếm 70% doanh số trong số các sản phẩm được làm từ trái sầu riêng, còn lại 30% doanh thu đến từ sản phẩm dạng nguyên quả. Thái Lan và Malaysia là những thị trường sản xuất sầu riêng và xuất khẩu sầu riêng dạng nhuyễn đông lạnh trên toàn thế giới. Do các sản phẩm dạng bột đông lạnh này dễ vận chuyển hơn là cung cấp trái sầu riêng tươi, bảo quản được lâu hơn, vì vậy các sản phẩm này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dự báo. Chẳng hạn, vào tháng 3/2017, Công ty Cổ phần Sữa TH, một nhà sản xuất các sản phẩm từ sữa tại Việt Nam, đã tung ra sản phẩm sữa chua hương sầu riêng.

 Thị phần các sản phẩm từ Sầu riêng năm 2018,

Hiện nay, Trung Quốc được xem là nơi tiêu thụ lý tưởng nhất cho sầu riêng. Theo một số liệu của Liên hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26% mỗi năm trong thập kỉ qua. Thái Lan hiện đang là nước thống trị thị trường tỉ dân này. Tuy nhiên, Malaysia cũng đang có những bước xâm nhập mạnh mẽ khiến người Thái lo ngại.

Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Thái Lan đạt 63,43 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2019; với giá nhập khẩu bình quân đạt 5,8 USD/kg, tăng 2,9% trong cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Malaysia đạt 40,37 triệu USD, tăng 128,4% so với nửa đầu năm 2019.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn đang trong giai đoạn đàm phán. Trong năm nay do dịch bệnh Covid-19, thị trường này đóng cửa tiểu ngạch nên xuất khẩu sầu riêng nước ta gặp nhiều khó khăn. Hiện, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán để có thể xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, khi đó, cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam sẽ rộng mở hơn.

Bất chấp dịch bệnh, sản lượng xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo quý 1 năm 2021 từ Vụ đàm phán thương mại của Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng từ Thái Lan sang Trung Quốc lên tới 5.8 tỷ baht (186 triệu USD), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2020, doanh thu từ xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc của nước này đạt 1.5 tỷ USD, tăng 78% so với năm 2019 trong thời điểm mà đại dịch Covid đang diễn ra căng thẳng nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của cả Thế giới.

Theo thông tin từ ông Yu Haiqiu, Giám đốc và nhà nghiên cứu của học viện Thái Lan, những năm gần đây người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích sầu riêng ngày càng tăng. Trong số những cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu tại Trung Quốc, sầu riêng luôn là mặt hàng bán chạy nhất. Trong số các sản phẩm về bánh kẹo, các sản phẩm có hương vị sầu riêng là đắt nhất và phổ biến nhất. Mặc dù có nhiều nước tại Đông Nam Á có nuôi trồng và sản xuất sầu riêng như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam, nhưng đối với hầu hết người Trung Quốc, khi nói về sầu riêng, đất nước mà họ nghĩ đến đầu tiên là Thái Lan. Có rất nhiều loại sầu riêng khác nhau, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc quen thuộc nhất với sầu riêng MonThong.

Dẫn nguồn từ freshplaza.com cho biết, nguồn cung sầu riêng trên thị trường Trung Quốc càng ngày càng tăng và giá của chúng ở nước này cũng tăng vọt. Giá của sầu riêng MonThong loại thông thường đã lên tới 200 tệ (khoảng 30 USD) cho nửa kg. Theo các nhà phân tích trong ngành, có một vài nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá. Thứ nhất, số lượng người sẵn sàng nếm thử sầu riêng, một loại trái cây có mùi vị độc đáo, ngày càng tăng, và số lượng khách hàng tái sử dụng cũng tăng. Thứ hai, giá thu mua từ các trang trại tại Thái Lan tăng cao do sự thiếu hụt nguồn cung. Mặc dù Thái Lan đã mở rộng diện tích trồng trong những năm gần đấy, nhưng thường phải mất từ 5-6 năm cây mới cho ra trái, hơn nữa ngày càng có nhiều sản phẩm sử dụng sầu riêng làm nguyên liệu, khiến tình trạng khan hiếm càng nổi lên rõ rệt.

Theo phó chủ tịch kiêm tổng thư ký phòng thương mại Trung Quốc – Thái Lan, sầu riêng Thái Lan chiếm hơn 90% thị phần của tất cả các loại sầu riêng nhập khẩu, khiến Trung Quốc trở thành thị phần xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Thái Lan. Trái cây của Thái Lan chủ yếu được nhập khẩu qua miền Nam Trung Quốc, đặt biệt là thị trường Quảng Đông, tiếp đó là các thị trường ở lưu vực sông Dương Tử và Sơn Đông.

Sầu riêng Thái Lan đã từng trải qua giai đoạn “Bán rẻ như cho”

Ở thập kỷ trước những năm 2010, mặc dù sầu riêng Thái Lan đã được xuất khẩu sang một số thị trường, nhưng tình trạng cung vượt cầu, sầu riêng rớt giá và năng suất biến động theo từng thời điểm của nhu cầu trong nước. Trong giai đoạn này, đã có lúc giá sầu riêng ở Thái Lan được bán với giá rẻ như cho từ 2-5 bath cho 1 kg (khoảng 1,000 – 3,500 VND/kg). Tình trạng này đã khiến cho nhiều nông dân trồng sầu riêng tại Thái Lan phải bán đất hoặc thay thế sầu riêng bằng một loại cây tạo ra nguồn doanh thu tốt hơn như cao su, cọ, nhãn, xoài hoặc mãng cầu. Sau đó, nhờ hiệp định thương mại giữa Trung Quốc – Thái Lan, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đến từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2012 đến năm 2016, thay đổi cơ cấu tỷ trọng tiêu thụ trong nước với xuất khẩu của nước này. Tỷ trọng xuất khẩu trong giai đoạn 2012-2016 dao động khoảng 60-70% tổng sản lượng sản xuất, và riêng năm 2016 tỷ trọng xuất khẩu đạt 81%.

Tỷ trọng tiêu thụ sầu riêng trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2012-2016

Thái Lan đã làm gì để trở thành nước xuất khẩu sầu riêng số 1 Thế Giới?

Đầu tiên phải nói đến sự chú trọng cao về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm nông sản của Thái Lan. Mỗi điểm đến xuất khẩu của trái sầu riêng Thái Lan đều có những quy định và thông số kỹ thuật riêng biệt. Có ít nhất 2 tiêu chuẩn cơ bản mà sầu riêng xuất khẩu cần tuân thủ là Global GAP (Good Agricultural Practices) và GMP (Good Manufacturing Practices). Theo quy định của Thái Lan, để xuất khẩu được trái sầu riêng tươi, nông dân cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn của GAP. Cục khuyến nông nước này có trách nhiệm phổ biến các kiến thức cần thiết và đánh giá cơ bản quá trình sản xuất cho người nông dân, sau đó họ sẽ lên danh sách những cơ sở đã được phê duyệt và chuyển danh sách cho Sở Nông Nghiệp địa phương để chứng nhận GAP. Mặt khác, người nông dân có thể liên hệ trực tiếp Sở Nông nghiệp địa phương để xin chứng nhận. Đối với một loại cây trồng dài ngày như sầu riêng, chứng nhận GAP sẽ có hiệu lực 3 năm trước khi gia hạn. Đối với tiêu chuẩn GMP, và các chứng nhận, tiêu chuẩn khác được đánh giá trong quá trình phân loại và đóng gói dành cho những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Tiêu chuẩn GMP được kiếm soát của Sở nông nghiệp nước này. Để được cấp tiêu chuẩn GMP, các nhà máy phân loại và đóng gói chỉ được phép nhập nông sản đầu vào từ những trang trại có chứng nhận GAP. Đây có lẽ là lý do cho việc Thái Lan hiện đang là nước duy nhất được phép xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc, trong khi đó Malaysia chỉ được phép xuất khẩu sầu riêng cấp đông vào thị trường này cho dù giá thành của sầu riêng Thái Lan cao hơn rất nhiều so với Malaysia và Việt Nam.

Thứ hai, sự cải tiến liên tục phát triển giống mới được tiến hành bởi hệ thống Chính phủ và xã hội Thái Lan đã tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn so với đối thủ. Điều đó còn được thể hiện ở chính sách thu thuế của Chính phủ đối với ngành cây ăn quả về việc thu thuế dựa vào số lượng cây ăn quả, chính điều này đã thúc đẩy người nông dân nỗ lực cải tiến giống cây của họ.

Thứ ba, sự đa dạng về nơi sản xuất và vụ mùa thu hoạch giúp nguồn cung cấp sầu riêng của Thái Lan ổn định quanh năm. Thái Lan có 2 vùng trồng cây sầu riêng lớn nhất là khu vực phía Đông gồm các tỉnh Chantaburi, Rayong, và Trad, và khu vực phía Nam gồm tỉnh Chumphon và Yala. Trong khi vụ mùa của trái sầu riêng ở các tỉnh miền Đông kéo dài từ tháng 3 cho đến tháng 6 hàng năm thì vụ mùa ở các tỉnh phía Nam diễn ra từ cuối tháng 6 cho đến tháng 1 năm sau. Đây là sự bổ sung rất tốt cho việc đáp ứng nhu cầu sầu riêng tươi quanh năm một cách ổn định. Ngoài ra, điều này còn giúp hạn chế hơn hình thức sản xuất trái vụ khiến cây sầu riêng bị hư hại và rút ngắn thời gian thu hoạch.

 Vụ mùa sầu riêng Thái Lan ở 2 khu vực sản xuất chủ lực

Cuối cùng là nỗ lực trong việc đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ, đường cao tốc chiến lược và hệ thống đường thủy dọc sông Mekong giúp cho việc vận chuyển nông sản từ Thái Lan sang các nước như Lào, Việt Nam để tiến vào thị trường chủ lực Trung Quốc diễn ra nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.

Hình 4: Bản đồ vận chuyển sầu riêng từ Thái Lan đến biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chú thích: Vùng tròn màu cam là các cửa khẩu hải quan/ Vùng hình vuông màu vàng là những nơi sản xuất sầu riêng.

Hoàng Hà

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Kinh doanh
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.