Độc dược trá hình dưới vỏ bọc "dinh dưỡng".
Hàng trăm dòng sản phẩm mang nhãn hiệu bắt mắt như “Sữa non tổ yến”, “Sữa dành cho người tiểu đường”, “Sữa dành cho bà bầu và trẻ em suy dinh dưỡng” đã bị phát hiện là giả mạo về thành phần, chất lượng. Kết quả giám định từ cơ quan chức năng cho thấy nhiều chỉ số dinh dưỡng không đạt 70% so với công bố – mức đủ để xác định là hàng giả theo quy định pháp luật.Nhưng điều đáng sợ hơn, đó là những “chất giả” này không chỉ đánh lừa cảm giác vị giác mà đánh đổi bằng sức khoẻ của trẻ nhỏ, thai phụ và bệnh nhân. Những người yếu thế, phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin đặt nơi bao bì sản phẩm.Khi một người mẹ tin rằng mình đang trao cho con giọt sữa tốt nhất, nhưng thực chất lại là bột pha loãng không rõ nguồn gốc, đó không chỉ là lừa đảo. Đó là tội ác.
Sữa giả nạn nhân của bà bầu, trẻ em và người yếu thế.
Lợi nhuận phi đạo đức, thất thu ngân sách và sự bất công thị trường.
Đường dây này vận hành bài bản: Lập công ty “ma”, sản xuất trôi nổi, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, thuê hàng loạt KOLs, tự xưng bác sĩ, chuyên gia để tạo niềm tin giả tạo. Kết quả: gần 500 tỷ đồng doanh thu đổ về túi nhóm đối tượng trong suốt thời gian qua.
Thiệt hại cho ngân sách nhà nước được Bộ Công an ước tính lên tới 28 tỷ đồng tiền thuế. Nhưng đó vẫn chỉ là phần nổi. Phía dưới là những hệ lụy dài hạn: niềm tin người tiêu dùng lung lay, các doanh nghiệp sản xuất chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh và bị vạ lây khi thị trường quay lưng với sản phẩm nội địa. Khi kẻ làm giả kiếm lời gấp chục lần người làm thật, luật chơi trên thị trường đã bị đảo ngược.
Bên cạnh đó sữa là sản phẩm thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển và hồi phục của con người. Việc để các sản phẩm giả mạo lưu thông tự do trên thị trường trong thời gian dài là một cái tát vào lòng tin người tiêu dùng. Khủng hoảng không dừng lại ở sự phẫn nộ. Người dân trở nên nghi ngờ tất cả. Không còn biết tin vào đâu – siêu thị hay hiệu thuốc, bác sĩ hay người nổi tiếng. Niềm tin bị xâm hại là thứ khó phục hồi nhất. Và khi người tiêu dùng quay lưng, toàn bộ ngành hàng, kể cả doanh nghiệp chân chính, cũng bị kéo theo sụp đổ.
Lỗ hổng quản lý: Trách nhiệm của ai?
Dư luận đặt câu hỏi: Làm sao một đường dây làm giả có thể tồn tại suốt nhiều năm, mở rộng mạng lưới toàn quốc, mà không một cơ quan nào “phát hiện” sớm hơn? Đây không chỉ là thất bại trong công tác hậu kiểm mà còn là biểu hiện của sự buông lỏng, thiếu phối hợp và phản ứng chậm trong quản lý chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm dinh dưỡng nhạy cảm. Không ai giám định các “công thức sữa dinh dưỡng” đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Không ai kiểm tra thường xuyên các nhà máy “gia công” sữa bột cho hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Và chính điều đó tạo ra một thị trường hỗn loạn, nơi kẻ gian mặc sức tung hoành, còn người tiêu dùng thì chơi một canh bạc mỗi lần mở nắp hộp sữa.
Không thể chỉ là "án điểm" rồi...quên
Vụ sữa giả không thể khép lại bằng một vài bản án hình sự. Nó phải là một điểm mốc thay đổi, là khởi đầu cho một cuộc tổng rà soát, thanh lọc thị trường sữa và thực phẩm chức năng tại Việt Nam.
Sữa giả là đỉnh băng nổi. Nhưng phía dưới là một hệ sinh thái “giả” khác: quản lý giả, niềm tin giả và đạo đức giả. Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, để bảo vệ nền sản xuất chân chính, để bảo vệ sự tử tế – chúng ta không thể cho phép thêm một vụ việc nào như thế xảy ra.
Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, sửa sai một cách căn cơ, và thiết lập lại trật tự trên thị trường – không chỉ bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể, trách nhiệm cụ thể, và chế tài cụ thể.
HLG