Kỳ 2: Vai trò của văn phòng luật đối với hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu

02/04/2022 22:40 (GMT+7)
(KD&BM) - Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật, nếu thực hiện không đúng hoặc không đủ các quy định của pháp luật thì hệ quả là các khoản tiền phạt rất lớn. Sự tham gia hỗ trợ của văn phòng luật là cần thiết và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Rủi ro bủa vây, doanh nghiệp Việt “dễ” bị lừa đảo

Trong bài viết “Mở rộng cánh cửa xuất nhập khẩu: Cơ hội đi kèm với thách thức mới”, KD&BM đã đề cập thực trạng thị trường xuất nhập khẩu liên tục phát sinh các vụ vi phạm hàng xuất khẩu, gặp trục trặc về hồ sơ chứng từ của các lô hàng, hay thương hiệu hàng hóa bị xâm hại nghiêm trọng… tạo ra bất lợi cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới, từ đó gây ra nhiều tổn thất cho chính doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 

Chưa bao giờ hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi như hiện nay, song đi kèm với những cơ hội chưa từng có cũng là những thách thức ngày càng phức tạp. Khi sự am hiểu và trang bị về pháp luật của các doanh nghiệp xuất khẩu còn tồn tại nhiều hạn chế thì các rủi ro vây quanh doanh nghiệp Việt càng lớn.

Thị trường xuất nhập khẩu liên tục phát sinh các vấn đề tạo ra bất lợi cho các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật chia sẻ: Trên thực tế, vấn đề tranh chấp xảy ra còn liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền ứng trước hợp đồng, tiền cung cấp dịch vụ,… Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng không tìm hiểu kỹ về đối tác, không trực tiếp đàm phán mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, số điện thoại, fax, không kiểm tra tính xác thực của địa chỉ, khả năng tài chính của đối tác... Đến khi có trục trặc xảy ra, không liên hệ được với đối tác thì mới nhận ra mình đã bị lừa đảo”.

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định, trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần thực hiện rất nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật, nếu thực hiện không đúng hoặc không đủ các quy định của pháp luật thì hệ quả là các khoản tiền phạt rất lớn. 

Đồng thời, khi không có luật sư tư vấn các vấn đề xoay quanh hợp đồng như vấn đề giao hàng, vận chuyển, thanh toán,… thì doanh nghiệp rất có thể sẽ ký kết hợp đồng với nhiều điều khoản bất lợi. Sau đó, trong quá trình hợp đồng không thực hiện được các điều khoản như đã ký kết dẫn đến tranh chấp, mà khi có tranh chấp xảy ra thì mất rất nhiều thời gian và chi phí để giải quyết.

Tránh rủi ro pháp lý bằng sự hỗ trợ của đội ngũ luật sư, văn phòng luật

Trao đổi với PV, ông Vũ Trường, Phó Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO cho biết, thời điểm hiện tại khuôn khổ pháp lý tại Việt Nam trong việc hướng dẫn cũng như bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp khi tham gia hợp tác với đối tác nước ngoài là hợp lý. Song, có sự tham gia hỗ trợ của văn phòng luật thì doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích trong việc hiểu rõ hơn về luật pháp liên quan tới xuất khẩu của hai nước và qua đó sẽ giúp doanh nghiệp không bị vướng về pháp lý.

Ông Vũ Trường, Phó Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu và cung ứng nhân lực CIP.CO trao đổi với phóng viên.

 Được biết, doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo hình thức xuất khẩu lao động, đưa trực tiếp sang thị trường Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng, kỹ năng đặc định (hay còn gọi là người lao động) với quy mô khoảng 250 người/năm. Trong quá trình thành lập và hoạt động, doanh nghiệp có nhờ đến sự hỗ trợ, tư vấn thủ tục pháp lý và giải quyết tranh chấp của văn phòng luật, cụ thể là nhờ tư vấn làm hợp đồng.

“Nếu không có sự hỗ trợ của văn phòng luật thì sẽ vướng về thủ tục pháp lý và gây mất thời gian trong công tác làm hồ sơ. Rủi ro lớn nhất là khi có vấn đề phát sinh như người lao động bị huỷ, bỏ trốn, phạm pháp,… doanh nghiệp sẽ bị đối tác phạt và đánh giá yếu kém trong khâu quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh, ông Vũ Trường chia sẻ thêm.

Với chủ chương hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tạo ra những khuôn khổ pháp lý rộng mở thúc đẩy các cơ hội đầu tư thông qua nhiều phương thức hoạt động. Thế nhưng, những hạn chế về kinh nghiệm, vốn và năng lực đã khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hoạt động hội nhập quốc tế chưa thực sự hiệu quả và để xảy ra một số vấn đề rủi ro, tranh chấp kiện tụng.  

Thông thường, doanh nghiệp cần đến sự can thiệp của văn phòng luật về một số vấn đề thường gặp như: tranh chấp phát sinh trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác trong và ngoài nước, các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động như các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan,…

Thời gian qua, do diễn biến dịch bệnh rất phức tạp, kèm theo những khó khăn về thị trường tiêu thụ đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản. Để doanh nghiệp có những đổi mới, nâng cao hiệu quả pháp luật vừa phù hợp với các cam kết quốc tế, vừa đáp ứng được tình hình thực tế của doanh nghiệp. Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, một nền kinh tế càng phát triển, vai trò của luật sư/văn phòng luật sư càng quan trọng. 

“Những bài toán kinh doanh của doanh nghiệp luôn cần những ý kiến tư vấn của luật sư để bảo đảm tính hợp pháp, hiệu quả và an toàn. Nếu thiếu hiểu biết pháp luật hoặc hành xử theo ý chí chủ quan, cảm tính, rất dễ dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp vi phạm pháp luật, phát sinh rủi ro, xung đột, tranh chấp kiện tụng không đáng có gây thiệt hại đến uy tín, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp,…”, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết./.

Vũ Hà

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.