Đầu tư logistics làm đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản

20/07/2023 10:10 (GMT+7)
KDBM - Việt Nam là một đất nước có lợi thế cao về sản xuất nông nghiệp, trong đó nông sản là một thế mạnh, với lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều rất lớn. Nhưng song song với lợi thế về nông nghiệp, đất đai, nền nông nghiệp nước ta vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình sản xuất và vận chuyển để xuất khẩu. Đầu tư, phát triển logistics chính là động lực để tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam vươn xa tới tay người tiêu dùng Quốc tế.

Logistics đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam

 Ở Việt Nam, logistics không phải là hoạt động quá mới mẻ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khái niệm khác nhau về từ ngữ này. Logistics được hiểu là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu - thương mại, kênh phân phối, bán lẻ…

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics. Trong những năm gần đây, logistics Việt Nam có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm đạt từ 14-16%.

Theo thống kê, bên cạnh các cảng biển, cảng hàng không, Việt Nam hiện có 10 cảng cạn và 18 điểm thông quan nội địa (ICD) - là các trung tâm logistics nằm sâu trong nội địa, tập trung ở các thành phố lớn và các địa phương biên giới, có giao dịch xuất nhập khẩu nhiều như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Logistics đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản Việt Nam (ảnh minh hoạ)

Theo thống kê sơ bộ từ Bộ Công Thương, hiện nay nước ta có 18 trung tâm logistics hạng 2 là các ICD (trong số 21 ICD trên toàn quốc) có phục vụ cho mặt hàng nông nghiệp.

Bên cạnh các trung tâm logistics hạng 2, các trung tâm logistics hạng 3 - trung tâm phân phối-kho bãi cũng được hình thành với khoảng hơn 46% trong số đó là phục vụ cho nông sản (có 22 trên tổng số 47 trung tâm logistics hạng 3 phục vụ cho mặt hàng nông sản).

Các trung tâm phục vụ cho mặt hàng nông nghiệp, chuỗi cung ứng lạnh cũng được hình thành để phục vụ vận chuyển, bảo quản mát nguyên liệu nông sản, phục vụ sản xuất tại nhà máy và phân phối, lưu thông.

Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng không ngừng tăng cao. Năm 2021 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 48,6 tỷ USD; năm 2022 đạt kỷ lục hơn 53 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,59 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%.

Hệ thống kho lạnh ngày càng tăng về số lượng. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển. Nhờ logistics phát triển, nền nông nghiệp Việt Nam hằng năm được cung cấp một lượng lớn phân bón, vật tư và thức ăn chăn nuôi; vận chuyển, lưu thông hơn 130 triệu tấn nông sản sản xuất ra và hàng chục triệu tấn sản phẩm nông sản được xuất khẩu khắp thế giới.

 Biến những điểm “bất cập” trong logistics thành đòn bẩy phát triển cho xuất khẩu nông sản

Mặc dù, Việt Nam là nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, song quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất theo chuỗi liên kết còn hạn chế, hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng của những tồn tại này là các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.

Mặc dù, xuất khẩu nông sản là thế mạnh của Việt Nam nhưng chất lượng dịch vụ logictics, trung tâm logistics lớn, bến bãi, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ còn thiếu và yếu nên thời gian giao hàng không kịp thời, dễ hư hỏng sản phẩm, chi phí cao làm giảm khả năng cạnh tranh hàng nông sản xuất khẩu.

Không những thế, việc thiếu phương tiện, thiếu kỹ thuật và kho lạnh không đủ đáp ứng nhu cầu. Những nước phát triển hơn có xe lạnh phục vụ tận vườn, còn tại Việt Nam, sau khi thu hoạch thì vận tải bằng các phương tiện thô sơ như xe ba gác, xe máy hoặc ghe thuyền nhỏ chở tới khu tập kết, đổ xuống sàn, xuống đất mới đưa vào kho lạnh nên tổn thất sau thu hoạch rất cao.

Bên cạnh đó, mặt hàng nông sản Việt Nam cũng phải chịu sức ép cao hơn so với nhiều nước. Theo bà Nguyễn Tú Uyên, Giám đốc Công ty Logistics CMU, dù có chất lượng không hề thua kém, song nông sản Việt Nam gặp thách thức về chi phí vận chuyển so với đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Thái Lan, bởi nước này có lợi thế về nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông… tần suất đều mỗi ngày. Đối với đường biển, các hãng tàu ở Thái Lan có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Theo đó, giá cước vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TPHCM từ 1 – 1,2 USD/kg.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế của đất nước, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 200/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, đề ra 06 mục tiêu, 60 nhiệm vụ cụ thể với nhiều giải pháp toàn diện, nhằm đưa ngành này vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Tỷ lệ chi phí logistics so với GDP thể hiện trình độ phát triển và vai trò của logistics trong nền kinh tế. Năm 2022, nước ta ở mức 16,8% GDP, tỉ lệ này còn cao so với bình quân chung trên thế giới, nhưng đã tiệm cận chỉ tiêu chỉ tiêu tối thiểu mà Chính phủ đề ra tại Chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2025, chi phí logistics chiếm khoảng từ 16-20%.

Tại bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, vẫn ở mức cao.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng. Phát triển logistics cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên thị trường quốc tế.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam đánh giá, nông sản là mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác. Do đó, vai trò của các DN xuất khẩu phải được kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống logistics, bởi đây không chỉ là cầu nối, mà còn được xem như đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Để phát triển mạnh hệ thống logistics phục vụ ngành nông nghiệp, Bộ NNPTNT cho biết sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản tại các vùng, địa phương có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn cung cấp điện, nước, hệ thống thủy lợi và kết nối hệ thống giao thông vận tải, bến bãi, kho tàng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống logistics theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh; trước mắt đầu tư xây dựng các kho lạnh lớn với công nghệ xếp dỡ tiên tiến tại các trung tâm phân phối, các chợ đầu mối rau quả và tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc, bến cảng và sân bay quốc tế.

 Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin... Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chính Thuần - Văn Dũng

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.