Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc – hướng đi bền vững cho ngành sầu riêng

05/11/2022 9:05 (GMT+7)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sự kiện lô hàng hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa qua đã thông quan thuận lợi là một dấu mốc giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Theo đó, quả sầu riêng được nhiều người ở Đông Nam Á xem như là "vua của các loại trái cây" với hương vị đặc thù, có thể gây “nghiện” cho người tiêu dùng nếu như đã thích ăn loại trái cây này. Hiện có nhiều loại sầu riêng khác nhau được trồng tại Việt Nam, bao gồm sầu riêng Ri 6, sầu riêng chuồng bò, sầu riêng khổ qua, sầu riêng Cái Mơn và sầu riêng Thái (sầu riêng Dona)

Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng và sản lượng sầu riêng ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu như trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ, thì hiện nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây Nguyên. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 674.444 tấn, tăng 13% so với năm 2020; diện tích trồng sầu riêng đạt khoảng 85.000 ha, tăng 16% so với năm trước đó. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sầu riêng dưới dạng múi đã tách vỏ và được cấp đông.

 Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật – Bộ NN và PTNT

Theo dự báo của các chuyên gia, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỉ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019-2025. Sự tăng trưởng của thị trường trái cây sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về lợi ích của sầu riêng mang lại cho sức khỏe, chẳng hạn như ngăn ngừa ung thư, duy trì lượng đường trong máu, chống lão hóa, chống oxy hóa và chống trầm cảm, cũng thúc đẩy nhu cầu về sản phẩm này trên toàn cầu.

Gần đây, sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ với tiêu chí ngặt nghèo, thị trường Trung Quốc đã chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, cùng với 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt. Ngày 19/9/2022, lô hàng hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã thông quan thuận lợi qua cửa khẩu Hữu Nghị, Bằng Tường, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây để tiêu thụ vào thị trường Trung Quốc. Lô hàng này được các doanh nghiệp thu mua, đóng gói tại Đắk Lắk được thông quan nhanh chóng.

Sự kiện xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đầu tiên này là niềm tự hào không chỉ của người trồng sầu riêng Đắk Lắk mà còn là niềm vui chung của người dân vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đây là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

Theo nguồn báo chí nhà nước Trung Quốc, đây được xem là dấu mốc quan trọng bởi đây là loại trái cây đầu tiên của các quốc gia thành viên RCEP mới được chấp thuận nhập khẩu chính ngạch vào thị trường 1,4 tỷ dân. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành quốc gia thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan, được xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và nông nghiệp xanh, kinh tế kết nối hiện nay, để xuất khẩu sầu riêng cũng như các mặt hàng nông sản khác một cách bền vững, thì cần phải tạo ra hệ sinh thái ngành hàng, liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý, như dân gian từng có câu: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Đó là lời thông điệp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn gửi gắm đến các “mắt xích” tham gia trong chuỗi giá trị của ngành hàng sầu riêng.

Theo đó, để có thể đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

Thông qua đó, số lượng các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đạt chuẩn sẽ được nâng cao. Đó là mục tiêu mà hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững đối với ngành sầu riêng cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Khôi Nguyên (t/h)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hoạt động Hiệp Hội
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.