Ngày 10/11, tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Viện FNF Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp".
Hội thảo đã công bố Báo cáo "Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA từ góc nhìn DN" do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Viện FNF dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 DN trên cả nước và nghiên cứu rà soát đánh giá các văn bản pháp luật thực thi EVFTA trong hai năm qua.
Hai năm đầu thực thi EVFTA vừa qua cũng là khoảng thời gian mà kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh COVID-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng năng lực, lương thực…
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (8/2020-7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỉ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư bình quân năm 2 giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó.
Tuy nhiên, đầu tư vào Việt Nam mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng đầu tư ra nước ngoài của EU (0,35% năm 2021).
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Cụ thể, trong hai năm thực thi hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...).
Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây diện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất-nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. Theo kết quả khảo sát, điều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của DN về hiệp định này. Theo khảo sát, có tới gần 94% DN từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về EVFTA, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện.
Các DN cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững...
Đoàn Phạm (t/h)