TP.Hồ Chí Minh: Tình hình buôn lậu xảy ra trên 3 tuyến đường bộ, đường thủy, đường không

27/07/2017 (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Cách Mạng cho biết, hoạt động buôn lậu trên địa bàn đang diễn ra trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và bằng nhiều hình thức.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại phát hiện, ghi nhận vi phạm thể hiện qua các phương thức thủ đoạn điển hình đối với nhóm mặt hàng ( mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu; cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng; kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, hóa chất trái phép) như: Lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh: doanh nghiệp chỉ khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng (trong đó có thể có hàng cấm nhập khẩu, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao), ban đầu khai tên người nhận hàng tại Việt Nam, tuy nhiên, khi bị các cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra thì doanh nghiệp liền điều chỉnh tên hàng, người nhận hàng là phía Campuchia và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh. Trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, doanh nghiệp có thể rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam. Ngoài ra các đối tượng Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá để buôn lậu thông qua phương thức “chọn luồng” (cùng 1 lô hàng khai báo nhiều tờ khai ở cùng một Chi cục hoặc khác Chi cục, nếu luồng đỏ thì hủy tờ khai, chọn luồng vàng, xanh để thông quan hàng hoá).

Hoạt động buôn lậu diễn ra trên tất cả các tuyến đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và bằng nhiều hình thức. Đối tượng chính, cầm đầu các đường dây buôn lậu thường không xuất hiện mà giao cho những người thân tín, cấp dưới hoạt động. Nhiều đối tượng buôn lậu trong thời gian qua đã thành lập các công ty “ma” thuê người đứng tên làm giám đốc để thực hiện hành vi buôn lậu với quy mô lớn, khi hàng hóa về Việt Nam thì thuê các công ty dịch vụ giao nhận làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì đối tượng chủ mưu, cầm đầu bỏ trốn.

Tình hình tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung trên các tuyến Tây Ninh, Long An, Bình Dương về TP.Hồ Chí Minh, kể cả trên tuyến đường bộ lẫn đường thủy nội địa tại địa bàn các huyện giáp ranh với các tỉnh như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Do thực tế tình hình địa bàn Thành phố là nơi tiêu thụ, trung chuyển nên rất khó có thể triệt phá đường dây buôn lậu mặt hàng này do hàng được buôn lậu và vận chuyển từ bên kia biên giới vào Việt Nam, tập trung tại các địa bàn giáp ranh, sau đó chia nhỏ vận chuyển vào Thành phố tiêu thụ, hoặc trung chuyển đi các tỉnh. Các đối tượng hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, luôn có sự cảnh giác rất cao, bố trí lực lượng canh đường theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng và rất manh động, sẵn sàng chống trả khi bị các lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ.

Về việc kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ nhập khẩu, hết hạn sử dụng và không đảm bảo chất lượng vẫn còn tiềm ẩn. Các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp chưa có giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất chiếm tỷ lệ khá cao. Vừa qua UBND thành phố đã có Đề án thành lập trung tâm hóa chất, hương liệu nhằm đưa các hộ kinh doanh mặt hàng này vào diện kinh doanh tập trung và đảm bảo cho công tác quản lý hóa chất, nhằm hạn chế tối đa sự cố cháy nổ trong khu dân cư và việc buôn bán hóa chất một cách tràn lan như hiện nay.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành phối hợp giữa các lực lượng chức năng, sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố; ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia với nhiều giải pháp đồng bộ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; xem công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để ổn định thị trường, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, an sinh xã hội luôn được giữ vững.

Với sự quyết tâm của các lực lượng chức năng, trong 6 tháng đầu năm 2017 các lực lượng chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 14.065 vụ vi phạm (trong đó gồm: 1.544 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; 12.180 vụ gian lận thương mại và 341 vụ hàng giả), thu nộp ngân sách đạt 2.296 tỷ 201 triệu đồng.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn, BCĐ 389 TP. Hồ Chí Minh cho rằng Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ ngành trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Các lực lượng chức năng tập trung tổ chức đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, nhận diện, xác định được các phương thức thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng và nắm bắt, nhận diện được các thủ đoạn mới nhằm đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tại các địa phương cần xác định rõ và giao trách nhiệm chính cho các lực lượng như: Lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn tại cửa khẩu; lực lượng Công an tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển hàng lậu, nhất là từ khu vực biên giới Tây Nam về Thành phố Hồ Chí Minh; lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả trên thị trường nội địa; lực lượng Công an, Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với lực lượng chức năng có địa bàn giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần phải đặc biệt quan tâm, trong công tác tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng, cơ quan báo, đài, các đoàn thể và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được lan tỏa đến quần chúng nhân dân, qua đó người dân hiểu, chủ động tố giác các hành vi vi phạm, không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định rõ và quy trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp gây bức xúc trong dư luận; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi tiếp tay cho buôn lậu.

Theo bcd389.gov.vn

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng thật, hàng giả
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.