Không dễ xử lý hình sự các vụ việc buôn bán, vận chuyển động thực vật hoang dã, quý hiếm

09/10/2017 (GMT+7)
Theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm hành chính cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, quý hiếm gặp nhiều khó khăn, không đủ cơ sở để xử lý vi phạm.

Theo quy định hiện hành, việc xử lý vi phạm hành chính cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm liên quan đến hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, quý hiếm gặp nhiều khó khăn, không đủ cơ sở để xử lý vi phạm.


Tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động thực phẩm hoang dã, quý hiếm đang gia tăng trong thời gian qua. Ảnh: TH

Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 có hiệu lực từ ngày 25/12/2013, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những vướng mắc, một số quy định chưa thể áp dụng; cụ thể tại Điều 21,22,23 đối với động vật rừng hoặc bộ phận dẫn xuất của chúng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IB để xử phạt phải được cơ quan Tài chính định giá tang vật. Nhưng hiện nay, đối với động vật và bộ phận của chúng thuộc nhóm IB, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại trên thị trường nên cơ quan Tài chính không có căn cứ để xác định giá trị. Ngoài ra, tại Nghị định 157 chưa quy định thẩm quyền xử phạt của lực lượng Hải quan. Thực tế những năm qua lực lượng Hải quan với nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã.

Theo Nghị định số 40/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2015 không điều chỉnh đối với động vật rừng, thực vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của Chính phủ. Như vậy những hành vi vi phạm đối với động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ phải bị xử lý hình sự theo điều 190, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009): Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Nhưng khi thực hiện còn nhiều vướng mắc, cụ thể khi khởi tố vụ án, chuyển Viện kiểm sát thì lại không có khung phạt cụ thể theo từng trường hợp vi phạm. Chẳng hạn như khi bắt giữ 1.000 kg tê tê hay 1 kg tê tê đều bị khởi tố hình sự nhưng chưa có quy định để áp dụng xử phạt hành vi trên vào mức độ nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Tại địa bàn Quảng Ninh, thực tế đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã thời gian qua cho thấy động vật hoang dã, sản phẩm động vật, thực vật hoang dã được các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua địa bàn chủ yếu: Tê tê, vảy tê tê, xương hổ, ngà voi, tay gấu… các đối tượng vi phạm là chủ các phương tiện vận tải đường bộ chuyên tuyến vận chuyển thuê cho các chủ đầu lậu; các lái xe và người áp tải vận chuyển thuê cho các chủ hàng; Cư dân biên giới tham gia vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác triển khai bắt giữ và xử lý do đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở, đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới; Lực lượng chuyên trách còn mỏng, trang thiết bị chưa đáp ứng, lỗi thời, trong khi đó các đối tượng buôn lậu sử dụng những trang thiết bị vận chuyển hiện đại, với các ngăn cất giấu tinh vi, khi vận chuyển thường có xe đi cùng sẵn sàng ngăn chặn, hỗ trợ để xe vận chuyển hàng tẩu thoát khi phát hiện lực lượng chức năng.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, hàng năm cơ quan Hải quan cử cán bộ tham gia lớp đào tạo, tập huấn liên quan đến công tác nhận dạng, phân biệt động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng theo Công ước Cites trong khi làm thủ tục hải quan… Tăng cường công tác điều tra nắm tình hình, xây dựng cơ sở bí mật, nghiên cứu kỹ phương thức thủ đoạn của các đối tượng đầu nậu, chuyên buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép hàng hóa là động vật hoang dã; tăng cường tuần tra kiểm soát công khai trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Kiểm lâm… để trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ và xử lý kịp thời hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và hàng hóa vi phạm Công ước Cites.

Mặt khác, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về việc xác định giá trị lâm sản (động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IA,IB) để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm; Cần có Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về tội phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng như Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT ngày 8/3/2007; Tăng cường công tác tập huấn và đào tạo dài hạn, ngắn hạn về nghiệp vụ phát hiện hàng thuộc nhóm động, thực vật hoang dã, quý hiếm thuộc nhóm IA,IB…

Mai Ka - BCĐ389
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng thật, hàng giả
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.