Hà Nội: Đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động theo ổ nhóm rất tinh vi và manh động

27/07/2017 (GMT+7)
Theo nhận định của Công an TP. Hà Nội, qua công tác điều tra, xử lý thời gian gần đây cho thấy các đối tượng hoạt động theo đường dây, ổ nhóm thường rất manh động, khi bị bắt giữ thường có hành vi chống đối, tuy nhiên phương tiện kỹ thuật trang bị cho lực lượng Công an làm nhiệm vụ còn hạn chế, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, nên khi các đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt thường gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.

Hà Nội là trung tâm kinh tế của cả nước, là nơi tập kết, tiêu thụ, trung chuyển của nhiều loại hàng hoá nhập lậu từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc; một số ít được nhập từ các nước Châu Âu, Mỹ và các nước Đông Nam Á...). Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm trên địa bàn Thành phố luôn diễn biến phức tạp. Mặt hàng được các đối tượng tập trung là: hàng điện tử, gia dụng, tiêu dùng, thuốc lá, pháo nổ, rượu, thuốc tân dược đặc trị, tiền giả... Hoạt động mua bán vàng nhập lậu, ngoại tệ “ngầm” trên thị trường tự do vẫn diễn biến phức tạp. Tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm, thủy sản, nguyên liệu chế biến thực phẩm, lương thực, thực phẩm bẩn... không rõ nguồn gốc, quá hạn hạn sử dụng tiếp tục diễn biến phức tạp. 

 Các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm tiếp tục cấu kết thành đường dây, ổ nhóm chặt chẽ, triệt để lợi dụng kẽ hở trong chính sách xuất - nhập khẩu, cơ chế thông thoáng theo cam kết gia nhập WTO, nhất là các quy định (tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu) để hoạt động với nhiều phương thức thủ đoạn, trong đó có sự tiếp tay, móc nối của các đối tượng ngoài xã hội với số cán bộ thoái hóa, biến chất vì động cơ vụ lợi trong các cơ quan quản lý nhà nước. Các vụ phạm tội đã gây hậu quả, thiệt hại lớn về kinh tế, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Buôn lậu, buôn bán hàng cấm diễn ra trên tất cả tuyến như: tuyến đường bộ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, Hà Nội đi các tỉnh miền Trung, miền Nam và ngược lại; tuyến đường hàng không; tuyến đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa,  tuyến bưu điện…Các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của một số văn bản, quy định pháp luật (Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng) để ”nâng đời”, năm sản xuất của một số mặt hàng cũ đã qua sử dụng để nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị cũ hết ”đát” vào thị trường Việt Nam tiêu thụ.

 Các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc lá ngoại hoạt động tinh vi hơn. Việc vận chuyển, tiêu thụ được chia nhỏ để giảm thiểu hậu quả pháp lý, tránh bị xử lý hình sự trong trường hợp bị bắt giữ. Các cửa hàng kinh doanh gần như công khai mua, bán thuốc lá ngoại với số lượng bày bán ít. Các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý xong, vi phạm lại tái diễn. Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu lớn, nổi tiếng trên thế giới, thời gian qua các đối tượng tiếp tục làm giả cả các mặt hàng có thương hiệu tốt trong nước, giả xuất sứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng vào thị trường trong nước tiêu thụ. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả là: thực phẩm, nước giải khát, thuốc chữa bệnh, phân bón, quần áo, hàng tiêu dùng, thực phẩm chức năng,  giống cây trồng, thiết bị lọc nước...

Hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm SHTT xuất hiện ở nhiều nơi với nhiều loại sản phẩm, mặt hàng, tập trung ở các làng nghề và các đơn vị sản xuất kinh doanh, lợi dụng có thiết bị, máy móc sản xuất, ngoài việc sản xuất theo giấy phép kinh doanh đã lợi dụng sản xuất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Đáng chú ý, các đối tượng sản xuất hàng hóa và tiến hành đăng ký chất lượng. Sau đó tiến hành sản xuất các lô sản phẩm tiếp theo có chất lượng thấp hoặc rất thấp so với mẫu đăng ký. Mặt hàng được các đối tượng hướng tới là: sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mũ bảo hiểm…

 Việc mua bán hóa chất, chất bảo quản thực phẩm, hoa quả, các loại thuốc tăng trưởng, bảo vệ thực vật không rõ nguồn góc xuất sứ diễn ra công khai, nhiều đối tượng sử dụng để sản xuất chế biến thực phẩm (hiện tượng này đang diễn ra phổ biến) gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, trên địa bàn TP xuất hiện tình trạng buôn bán, sử dụng khí N2O chiết xuất ”bóng cười”, sử dụng shisha, tem giấy, ”bùa lưỡi”... trong giới trẻ, thanh thiếu niên, ảnh hưởng tới sức khỏe, làm gia tăng tình trạng mất ANTT tại một số địa bàn, tụ điểm.

 Trước tình hình trên, Công an TP. Hà Nội đã giao các đơn vị nghiệp vụ của Công an Thành phố tổ chức thực hiện tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách, giám sát chặt chẽ các đường dây, ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi tập kết hàng lậu, hàng giả... từ đó đề ra kế hoạch đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động chuyên nghiệp, gây bức xúc trong nhân dân. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng như Thuế, Quản lý thị trường, Hải quan, Chi cục Thú y... tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có dấu hiệu vi phạm.

 Công an thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch số 128 về tập trung đấu tranh mặt hàng “bóng cười”, shisha và kế hoạch số 224 triển khai Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tương Chính phủ về một số giái pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.

 Thông qua công tác nắm tình hình các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, đến các cấp có thẩm quyền và các đơn vị chức năng có biện pháp xử lý, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa và đấu tranh, trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố đã phát hiện, khám phá: 1.323 vụ - 1.357 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả; ra quyết định khởi tố: 51 vụ - 57 bị can; xử lý hành chính: 1313 vụ - 1336 đối tượng; Thu ngân sách Nhà nước: 94 tỷ 325 triệu đồng; thu cơ quan, người bị hại: 39 tỷ 618 triệu đồng; hàng hóa tạm giữ trị giá 72 tỷ 511 triệu đồng...

 Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp những khó khăn như: Các đối tượng hoạt động phạm tội trên các lĩnh vực này thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó, có các đối tượng ở ngoại tỉnh, có đối tượng người nước ngoài nên việc xác minh, truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn. Các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại với quy mô lớn thường có số lượng tang vật, vật chứng nhiều, sau khi khám xét thu giữ lại không có kho chứa. Kinh phí của công tác giám định, bốc xếp, lưu kho... rất lớn nên công tác điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

 Chính sách pháp luật còn nhiều kẽ hở, không xem xét xử lý hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất và pháo nổ; có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật để xác định “thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất; pháo nổ” là hàng cấm, gây khó khăn trong hoạt động truy tố, xét xử đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép; vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất nhập lậu; Chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán, sử dụng khí N2O chiết xuất “bóng cười” không rõ ràng. Do vậy khi xử lý, các cơ quan chức năng phải vận dụng các quy định pháp luật khác để áp dụng.

 Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Công an TP. Hà Nội kiến nghị BCĐ 389 thành phố kiến nghị Chính phủ: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng có liên quan như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thuế, Ban chỉ đạo 389 TW... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế tới mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới vận chuyển về Hà Nội.

Xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này giữa lực lượng Công an với các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành các cấp.

  Về phía Công an TP tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội. Duy trì công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát toàn diện trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Qua đó nhận diện, lên danh sách được các loại đối tượng, địa bàn, tụ điểm, tuyến, đường dây buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả để lập hồ sơ, lập án, lập kế hoạch, thu thập tài liệu đấu tranh triệt phá, bắt giữ, xử lý. Thông qua công tác nắm tình hình, kịp thời có những kiến nghị phòng ngừa với các sở, ban, ngành để kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm.

  Tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành chức năng (Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra ngành Y tế...) tiếp tục mở các đợt kiểm soát hành chính đột xuất và định kỳ đặc biệt là với các tuyến, địa bàn trọng điểm mà các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm thường xuyên hoạt động, nhằm phát hiện những nơi sản xuất, buôn bán, tiêu thụ, chứa chấp hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại... thu hồi, lập hồ sơ, xác minh, xử lý. Công tác kiểm tra đảm bảo đúng pháp luật, không gây tổn hại, gây phiền hà cho sản xuất kinh doanh của cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân.  Phối hợp các ngành nội chính xét xử các vụ án điểm, lưu động nhằm răn đe, phòng ngừa đồng thời phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giúp đỡ, lên án, phát hiện đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Theo bcd389.gov.vn

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng thật, hàng giả
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.