Quảng bá Quốc hiệu và kinh đô nước Việt qua Mộc bản Triều Nguyễn

25/02/2019 17:00 (GMT+7)
Ngày 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt qua Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới”.

Phát biểu khai mạc triển lãm, Cục trưởng cục Văn thư lưu trữ nhà nước TRần Thanh Tùng cho biết, Quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, không chỉ có ý nghĩa biểu thị chủ quyền lãnh thổ, danh xưng chính thức được dùng trong ngoại giao, mà còn biểu thị thể chế và mục tiêu chính trị của nhà nước. Từ khi dựng nước cách đây hơn 4000 năm, nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm với những biến động của lịch sử. Minh chứng rõ ràng cho điều đó là trên dưới 10 lần đổi quốc hiệu. Mỗi lần đổi có một ý nghĩa khác nhau, nhưng đều đánh một dấu mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc. Khối Mộc bản Triều Nguyễn hiện còn khắc ghi khá đầy đủ những thông tin về Quốc hiệu và Kinh đô của nước ta từ trước năm 1945.

Với mỗi quốc gia, quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại, … biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với quốc hiệu, kinh đô (thủ đô) cũng luôn được các thể chế nhà nước đặc biệt coi trọng. Đó là nới trú đóng của chính quyền trung ương, là nơi mà các hoàng đế và bá quan văn võ điều hành đất nước và tiếp đón, làm việc với các phái đoàn ngoại quốc.

Nhận thức được tầm quan trọng của quốc hiệu và kinh đô đối với đất nước, từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu hoặc kinh đô cho phủ hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc rất cao. Với những quốc hiệu như Đại Cồ Việt hay Đại Việt để ngang hàng với Đại Tống, Đại Minh; Đại Nam để ngang hàng với Đại Thanh và cùng với đó là vua tự xưng là Hoàng đế để ngang hàng với Trung Quốc… Có thể thấy rằng, quốc hiệu và kinh đô là những vấn đề đặc biệt quan trọng của một quốc gia.

Mộc bản Triều Nguyễn là loại hình tài liệu biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ. UNESCO đã công nhận Mộc bản Triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới, đây chính là sự vinh danh của quốc tế đối với những giá trị nổi bật của mà khối tài liệu Mộc bản đang lưu giữ.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng, du khách trong và ngoài nước hơn 32 hình ảnh, tài liệu và 20 phiên bản Mộc bản Triều Nguyễn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu và Kinh đô của Việt Nam trải qua các thời kỳ lịch sử được khắc ghi trong các Mộc bản: Đại Việt sử ký toàn thư; Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập; Khâm Định Việt sử thông giám cương mục; Đại Nam thực lục gồm: Xích Qủy thời Kinh Dương Vương; Văn Lang thời Hùng Vương; Âu Lạc thời An Dương Vương; Vạn Xuân thời Tiền Lý; Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê; Đại Việt thời Lý - Trần - Lê; Đại Ngu thời nhà Hồ; Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh.

Thông qua triển lãm, góp phần giới thiệu về lịch sử Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt dưới góc nhìn từ Di sản văn hóa. Đồng thời tái hiện lại bức tranh sinh động về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt từ xa xưa thông qua những lần đặt, đổi quốc hiệu và kinh đô đất nước thể hiện khát vọng của các vương triều và ý chí độc lập, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc của các bậc tiền nhân. Đồng thời tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam. Từ đó, có thể khẳng định giá trị lịch sử vô giá nằm trong khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới, để thấy được giá trị của tài liệu lưu trữ luôn góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ hôm nay, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ngay từ năm 1946: “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt trong công cuộc kiến thiết quốc gia”. Thông qua triển lãm góp phần quảng bá, tôn vinh giá trị của các di sản của Việt Nam đã được thế giới công nhận.

“Việc phối hợp tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Sở VHTT Hà Nội giúp cho các đơn vị đang trực tiếp bảo quản Di sản tư liệu Thế giới của Việt Nam đã mở ra một hướng mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các Di sản tư liệu thế giới, tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước được tiếp cận gần hơn với các di sản tư liệu của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của dân tộc trong dịp xuân Kỷ Hợi. Sự kiện này sẽ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân của dân tộc, giúp công chúng được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến” – Ông Tùng nhấn mạnh.

Ngay trrong ngày đầu khai mạc, triển lãm đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiều. Theo BTC, triển lãm sẽ trưng bày từ ngày 25/2 đến ngày 25/3 tại Khu Thái học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Song Hoàng

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Giáo dục
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.