Thầy Hòa biết đến chữ Hán Nôm từ rất sớm, ngay từ hồi bé đã được nghe các cụ nói về những câu thành ngữ, những điển tích điển cố về Hán Nôm răn dạy con người về đạo đức và lễ nghĩa của con người trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần tình yêu về văn hóa dân tộc cứ lớn dần, chính vì muốn tìm hiểu sâu về văn hóa của dân tộc mình nên thầy đã tự mày mò học chữ Hán Nôm ( người địa phương gọi là Dao Nôm) để có thể đọc được sách cổ. Ban đầu thầy chỉ học chữ Nôm để đọc và hiểu được sách cổ của các cụ nhưng từ năm 2010, nhà nước có ban hành nghị định 82( nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 quy định về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên) nên thầy đã tích cực tham gia vào việc dạy chữ Nôm do Trung tâm vì sự nghiệp phát triển bền vững miền núi, phối hợp với Viện Hán Nôm, trường đại học Hồng Đức và các đơn vị có liên quan khác tổ chức tại Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ… Mục đích là học thêm nghiệp vụ sư phạm để tham gia vào giảng dạy tiếng Nôm Dao tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn ( nay là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn).
Thầy giáo Bàn Văn Hòa năm nay đã 57 tuổi hàng ngày vẫn vượt hơn 20 cây số đến lớp dạy chữa viết của người Dao với mong muốn những người trong lớp học được xóa mù chữ, biết đọc, biết viết tiếng nói của dân tộc mình.
Thầy Hòa chia sẻ: "Tôi sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), cho nên thấu hiểu được những khó khăn của bà con nơi đây về mọi mặt, nhất là việc học hành. Vì vậy, trên tinh thần tự nguyện, được chính quyền xã và thôn giúp mở lớp xóa mù chữ, các học viên đều tiếp thu nhanh những kiến thức cơ bản, tôi rất vui".
Ngày ngày thầy vẫn chăm chỉ vượt bao km đường đèo để đi giảng dạy
Hiện tại, ông đang giảng dạy cho một lớp tại khu du lịch Xuân Sơn, Phú Thọ. Bình thường một lớp khai giảng gồm 30 học viên, học phí là 500 nghìn đồng trên một học viên. Nhưng thầy Bàn nhận thấy trong lớp có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nên không theo học được, chỉ có các trưởng thôn, cán bộ công chức, trưởng làng mới có điều kiện tham gia. Ông cũng rất trăn trở về điều này, bởi vậy ông cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ rất nhiều các hoàn cảnh khó khăn nhưng một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Sự cố gắng của thầy giáo Bàn Văn Hòa chỉ có thể giúp được một phần nhỏ nào đó cho cộng đồng dân tộc Dao, vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, chính quyền, ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ về việc hỗ trợ kinh phí học tập và giảng dạy để giữ gìn và phát huy chữ viết của đồng bào dân tộc Dao.
Có thể nói, việc nỗ lực, khắc phục khó khăn để truyền dạy con chữ cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao của thầy giáo Bàn Văn Hòa thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, để vận động mọi người đến trường đã là khó, giữ các học sinh đi tiếp trên con đường học chữ còn khó khăn hơn rất nhiều.Vì vậy, mong muốn lớn nhất của thầy chính là cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, ban ngành địa phương hoặc những mạnh thường quân, những người có niềm đam mê, có tình yêu với chữ viết dân tộc cùng chung tay với thầy trên con đường giúp lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Dao.
Cần nhiều người hơn nữa chung tay cùng thầy Hòa mở ra những lớp học như thế này
Viết về những người có cống hiến lớn cho sự nghiệp phát triển đời sống văn hóa xã hội, chúng tôi xin gửi lời tri ân tới tấm lòng cao cả của thầy giáo Bàn Văn Hòa. Xin chúc cho thầy luôn có một sức khỏe tốt để tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn những nét đẹp giá trị văn hóa người Dao ta.
Mọi thông tin quan tâm, ủng hộ, đóng góp hay tìm hiểu về văn hóa chứ Nôm Dao xin liên hệ trực tiếp với thầy Bàn Văn Hòa
SĐT: 01662502403 – 01694484690
Địa chỉ: bản Tân Hồi, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.