Vùng biên – nơi tiếp giáp giữa lãnh thổ Việt Nam và các nước láng giềng lâu nay luôn được xem là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế. Hạn chế về hạ tầng, mật độ dân cư thưa thớt, hoạt động sản xuất thương mại còn manh mún. Nhưng chính những yếu tố đó, trong thời đại số, lại đang tạo ra dư địa cho một cú huých mang tính cấu trúc.
Từ Lạng Sơn, Lào Cai đến Tây Ninh, An Giang, những vùng từng được gắn mác “xa xôi hẻo lánh” nay đang bước vào guồng quay chuyển đổi số. Chuyển mình từ “hậu cứ phòng thủ” thành “trục phát triển”, các địa phương biên giới đang được kỳ vọng trở thành vành đai kinh tế mới nơi vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa dẫn dắt thương mại số và logistics xuyên biên giới.
Trong bối cảnh kinh tế số, biên giới vật lý không còn là giới hạn tuyệt đối. Nhiều hợp tác xã vùng cao tại Hà Giang, Lào Cai đã thử nghiệm livestream bán nông sản trên nền tảng số, tiếp cận người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn ở khu vực biên giới tiếp giáp. Dù quy mô còn nhỏ lẻ, đây là tín hiệu cho thấy biên giới đã không còn khép kín.
Tư duy “biên giới là vành đai an ninh” đang dần được mở rộng thành “vành đai sáng tạo và kết nối số”. Việc thiết kế chính sách không chỉ nhằm giữ gìn ổn định mà cần thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dữ liệu, thanh toán và công nghệ thông suốt, có kiểm soát nhưng không cản trở phát triển.
Một trong những điểm sáng nổi bật là sự hình thành của các mô hình thương mại số gắn với hoạt động xuất nhập khẩu biên mậu.
Tại Lạng Sơn, mô hình “Cửa khẩu số” đã chính thức vận hành từ năm 2023, với Trung tâm Quản lý điều hành xuất nhập khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị. Nhờ đó, quy trình điều phối phương tiện, hàng hóa qua biên giới trở nên minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tại Quảng Trị, theo thông tin từ các dự án hỗ trợ phát triển địa phương, chính quyền đã phối hợp cùng UNDP và các tổ chức quốc tế thí điểm “chợ phiên số” cho hợp tác xã đồng bào dân tộc ở Hướng Hóa, bước đầu tạo nền tảng số hóa giao dịch nông sản.
Ở Tây Ninh, việc hỗ trợ hợp tác xã và nông hộ vùng biên đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso được đẩy mạnh, với sự tham gia của bưu chính, ngành Công Thương và các đơn vị tư nhân. Dù chưa hình thành hệ sinh thái chuyên biệt, nhưng các tín hiệu từ thị trường cho thấy xu hướng này đang tăng trưởng tốt.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương và các địa phương, lượng hàng hóa vùng biên tham gia chuỗi cung ứng số và giao dịch qua nền tảng điện tử đang tăng trưởng đều qua từng năm, đặc biệt tại các tỉnh có cửa khẩu quốc tế.
Phát triển kinh tế số vùng biên không đơn giản chỉ là “đưa công nghệ vào”. Vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ: ai là người hướng dẫn, bảo vệ và kiểm soát sự chuyển đổi ấy?
Vai trò của chính quyền địa phương đặc biệt là cấp cơ sở cần chuyển từ “quản lý thủ tục” sang “kiến tạo nền tảng”. Không chỉ là “cài app” hay tổ chức hội thảo, mà phải đồng hành với người dân, doanh nghiệp nhỏ để kết nối họ với thị trường và nền tảng uy tín, bảo vệ họ khỏi các rủi ro gian lận thương mại số, hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cơ bản. Chuyển đổi số mà thiếu quản trị số, thiếu thể chế linh hoạt thì chẳng khác nào “gắn động cơ mới vào một khung xe cũ”.
Trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang đẩy nhanh xây dựng thị trường số chung vào năm 2030, các hành lang kinh tế biên giới của Việt Nam có thể trở thành trục dẫn dòng thương mại số khu vực. Đây sẽ không chỉ là nơi xuất nhập khẩu hàng hóa, mà còn là vùng đệm kết nối số: dữ liệu, tài chính, logistics, thanh toán và dịch vụ sáng tạo xuyên quốc gia.
Khi biên giới không còn là điểm kết thúc, mà là điểm khởi đầu cho luồng kết nối mới, kinh tế vùng biên sẽ là nơi thử nghiệm nhiều mô hình đột phá nhất. Ở đó, mỗi hộ dân, mỗi hợp tác xã đều có thể trở thành một “doanh nghiệp số biên giới” miễn là chúng ta kiến tạo được hệ sinh thái hỗ trợ đủ rộng, đủ bền và đủ linh hoạt.
Muốn phát triển vùng biên trong thời đại số, trước hết phải đổi mới tư duy: từ chính quyền đến doanh nghiệp, từ trung tâm đến biên giới đều cần nhìn biên giới như một cơ hội, chứ không phải rào cản.
Lam Giang