Ung thư phổi là một trong những dạng ung thư gây tử vong hàng đầu, nguyên nhân của khoảng 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Kết quả của một thử nghiệm mới, do Đại học Yale đứng đầu và được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ ở Chicago, cho biết, một loại thuốc có tên osimertinib có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong do căn bệnh này.
“Giảm 50% nguy cơ tử vong là một bước tiến lớn đối với bất kỳ căn bệnh nào, đặc biệt là đối với một căn bệnh như ung thư phổi, vốn thường kháng lại các liệu pháp điều trị", Tiến sĩ Roy Herbst - Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Yale và là tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Thử nghiệm bao gồm 682 bệnh nhân trong độ tuổi 30-86 ở 26 quốc gia, kiểm tra tác dụng của thuốc này chống lại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đây là dạng ung thư phổi phổ biến nhất, khi các tế bào bất thường tăng sinh mạnh mẽ ở biểu mô phế quản của phổi.
Tất cả các bệnh nhân trong thử nghiệm đều có đột biến gen EGFR, loại đột biến được tìm thấy trong khoảng 1/4 trường hợp ung thư phổi trên toàn cầu và chiếm tới 40% trường hợp ung thư phổi ở châu Á. Đột biến EGFR phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới, và phổ biến hơn ở những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc ít hút thuốc.
Điều trị sau phẫu thuật bằng osimertinib, do AstraZeneca sản xuất, đã “giảm đáng kể” nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư phổi, kết quả thử nghiệm cho biết.
Cụ thể, sau 5 năm, 88% bệnh nhân uống thuốc hằng ngày sau khi cắt bỏ khối u vẫn còn sống, so với 78% bệnh nhân uống giả dược. Nhìn chung, nguy cơ tử vong ở những người dùng osimertinib thấp hơn 51% so với những người dùng giả dược.
Lợi ích sống còn “đã được ghi nhận một cách nhất quán” trong tất cả các phân nhóm nghiên cứu, bao gồm cả những người mắc ung thư phổi giai đoạn một, giai đoạn hai và giai đoạn ba. Hóa trị đã được thực hiện cho 60% những người trong nghiên cứu và lợi ích sống sót của osimertinib đã được ghi nhận bất kể hóa trị trước đó có tác dụng hay không.
Phát biểu tại Chicago, Herbst cho biết kết quả mới củng cố cho những phát hiện trước đó cho thấy osimertinib cũng giảm một nửa nguy cơ tái phát bệnh. Theo Herbst, không phải tất cả những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi đều được kiểm tra đột biến EGFR, điều này cần phải thay đổi, dựa trên những phát hiện của nghiên cứu mới. “Phát hiện mới củng cố thêm nhu cầu xác định những bệnh nhân mang đột biến EGFR tại thời điểm chẩn đoán và trước khi bắt đầu điều trị", Herbst nhấn mạnh.
Khoảng 2/3 trong số 682 bệnh nhân tham gia thử nghiệm là phụ nữ. Khoảng 2/3 bệnh nhân không có tiền sử hút thuốc. Điều này cho thấy thuốc có tác dụng cả đối với người hút thuốc và người không hút thuốc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi.
Hoàng Vũ