Để giải quyết vấn đề này, ngày 31/10 Lạng Sơn đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Lạng Sơn năm 2018” với sự tham dự của đại diện Tổng cục Du lịch, các nhà nghiên cứu, các Trường Đại học và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hội thảo đã bàn thảo các giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Lạng Sơn nhằm thu hút đông đảo hơn nữa du khách đến với tỉnh này trong thời gian tới.
Hiện Lạng Sơn đã có một số loại hình du lịch được đưa vào khai thác và phát triển tốt như: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch mua sắm, tham quan cửa khẩu và quá cảnh. Tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn năm 2017 đạt 2.640.000 lượt, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khách quốc tế 382 nghìn lượt, khách trong nước đạt 2,26 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch năm 2017 là 910 tỷ đồng, đạt 102% KH, tăng 5,8% so với năm trước. Trong 9 tháng đầu năm năm 2018 tổng lượng khách đạt 2.082.100 lượt, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 233.500 lượt, khách trong nước đạt 1.848.600 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 744 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 8,1%. Theo khảo sát của các chuyên gia du lịch, du khách đến đây không chỉ riêng bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc mà còn bởi những giá trị nhân văn của từng thắng cảnh, sự thân thiện mến khách của bà con địa phương...
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo sở VHTTDL Lạng Sơn cho biết, thời gian qua bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị, cảnh quan di tích, việc duy trì, phục dựng những lễ hội tiêu biểu, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với các di tích cũng được quan tâm. Cùng với đó, Lạng Sơn còn tích cực nghiên cứu, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; quan tâm đầu tư vào các khu, điểm du lịch để tạo ra sự đồng bộ; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức văn hoá, lịch sử; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch có sức hút với du khách; tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm. Mặt khác, hoạt động liên kết du lịch được đẩy mạnh; công tác quản lý du lịch được tăng cường… Nhờ những động thái tích cực đó mà trong những năm qua, du lịch tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển khá, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn.
Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, các sản phẩm du lịch tại tỉnh Lạng Sơn đang phát triển cả về hình thức và quy mô mang tính đại chúng cao (Khu Du lịch Mẫu Sơn, Quần thể khu du lịch danh thắng Nhị - Tam Thanh, du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, Vũ Lăng - huyện Bắc Sơn gắn với các xã ATK; Du lịch cộng đồng Hữu Liên - huyện Hữu Lũng ); các sản phẩm du lịch mang tính mạng lưới (du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cửa khẩu và quá cảnh), tới các sản phẩm du lịch có trách nhiệm đang thịnh hành (tổ chức các hoạt động hỗ trợ khách du lịch tại các điểm đến). Với xu thế hiện nay, trong bối cảnh phát triển của du lịch cả nước hướng tới phát triển du lịch bền vững, việc phát triển các loại hình du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng mang ý nghĩa sâu sắc đã và đang tiếp tục được khai thác đi đôi với bảo tồn để nhằm phục vụ cho phát triển du lịch.
Trong báo cáo cũng chỉ ra rằng, từ những năm trước khách quốc tế đến với Lạng Sơn chủ yếu là khách Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Đối với khách nội địa, nguồn khách du lịch nội địa đến với tỉnh Lạng Sơn chủ yếu đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên và một số tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ. Số lượng khách du lịch nội địa có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây khi điều kiện về cơ sở hạ tầng của tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư.
Trước những thực trạng và thách thức của thị trường, để tạo sức hút với du khách, các chuyên gia về du lịch cũng như đại diện các doanh nghiệp lữ hành đưa ra quan điểm: Lạng Sơn cần phải khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch chuyên biệt và du lịch kết hợp công vụ, nghỉ cuối tuần; tạo dòng khách du lịch lễ hội, tâm linh, du lịch biên giới, mua sắm. Đặc biệt, thúc đẩy thị trường khách du lịch bằng đường bộ, tuyên truyền quảng bá đến khách du lịch bằng đường sắt tạo nét riêng biệt của sản phẩm.
Các đại biểu cũng chỉ ra, với thị trường nội địa, Lạng Sơn cần tập trung vào các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh vùng Đồng bằng Bắc Bộ, từng bước mở rộng ra các địa phương khác trong cả nước. Đối với thị trường quốc tế, Lạng Sơn cũng cần tiếp tục duy trì và khai thác thị trường khách du lịch Trung Quốc, từng bước mở rộng và khai thác thị trường các nước Đông Bắc Á và các nước trong khối ASEAN.
Đặc biệt, Lạng Sơn cần quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục quan tâm và đầu tư điểm du lịch cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa bàn có tiềm năng phát triển về loại hình du lịch này. Để tạo được nét đặc sắc trong các sản phẩm du lịch, Lạng Sơn cần khai thác những tour du lịch truyền thống, nội tỉnh và liên tỉnh, trong đó đặc biệt là chú trọng phát huy thế mạnh về loại hình du lịch để xây dựng thành những sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng có của tỉnh Lạng Sơn như: Du lịch mua sắm tại các khu cửa khẩu và trung tâm thành phố Lạng Sơn; du lịch cửa khẩu biên giới và đi vào nội địa Trung Quốc; du lịch tâm linh, du lịch hang động, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái…. Các sản phẩm du lịch mới phải giữ được những nét độc đáo của Xứ Lạng.
Khải Bình
Những năm vừa qua Lạng Sơn đã đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo và quy hoạch các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để tạo ra quần thể khép kín đa dạng, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách và nhân dân như Chùa Thành, đền Kỳ Cùng, động Nhị Thanh, Tam Thanh và Khu vực núi Mẫu Sơn... đồng thời tích cực tham gia chương trình liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các tỉnh trong Chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc và hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang tập trung cho việc hợp tác, liên kết về phát triển du lịch với các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam bộ; hợp tác song phương giữa Lạng Sơn và các địa phương của tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc; hợp tác các tỉnh dọc hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh... sau những nỗ lực đó đã đem đến cho du lịch Lạng Sơn những diện mạo mới với nhiều sức hút cho các nhà đầu tư.
|