Kinh tế biển xanh có nhiều khái niệm khác nhau, tuy nhiên đều thống nhất lấy tài nguyên môi trường làm chất xúc tác để kích hoạt nền kinh tế. Và kinh tế biển xanh suy cho cùng là quá trình phát triển kinh tế biển, đảm bảo tính hiệu quả nhưng không làm tổn hại đến những nguồn tài nguyên và phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, không làm thay đổi chất lượng môi trường. Nguồn tài nguyên ở đây là nguồn tự nhiên, liên quan đến giá trị nguyên sinh, giá trị văn hóa. Chính vì thế, nói về lý thuyết, kinh tế biển xanh rất coi trọng việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên, xã hội.
Kinh tế biển bao gồm các lĩnh vực kinh tế khác nhau: năng lượng tái tạo, du lịch biển và ven biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, vận tải biển, quản lý chất thải và bảo tồn biển.
Cách tiếp cận kinh tế biển bền vững thường vượt ra ngoài việc coi đại dương là nơi cung cấp các nguồn lực kinh tế duy nhất, mà còn kêu gọi bảo vệ và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khi tìm cách cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội. Cách tiếp cận như vậy phải lường trước và kết hợp đầy đủ các tác động của biến đổi khí hậu và đảm bảo rằng các hoạt động ứng phó với COVID-19 (kể cả các gói cứu trợ kinh tế) sẽ đóng góp vào việc phục hồi tốt hơn, vì một nền kinh tế biển công bằng, bền vững và có khả năng chống chịu hơn.
Đối với các quốc gia đang phát triển và dễ bị tổn thương, việc xây dựng các chiến lược thích ứng đầy đủ và nâng cao khả năng chống chịu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương là điều vô cùng quan trọng do những cộng đồng này phải chịu tác động của BĐKH và khủng hoảng COVID-19; đồng thời họ cũng bị tổn thương do thiếu nguồn tài chính, sinh kế thay thế hạn chế, thiếu mạng lưới an sinh xã hội và an ninh lương thực. Nếu không tiến hành các biện pháp thích ứng, theo các số liệu dự báo, mực nước biển dâng sẽ làm tăng rủi ro bão, lũ và ngập úng làm hàng triệu người phải di dời, gây thiệt hại đáng kể đến mạng sống, tài sản, cơ sở hạ tầng, sinh kế và môi trường sống, đe dọa an ninh lương thực do đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm và các hệ thống phân phối.
Tiếp cận nguồn tài chính là điều vô cùng quan trọng để phát triển tốt hơn sau khủng hoảng COVID-19 và giải quyết các vấn đề BĐKH nhằm đảm bảo một nền kinh tế biển có khả năng chống chịu khí hậu và đạt được các mục tiêu SDG 13 và 14. Các quốc gia đã phát triển cam kết huy động nguồn tài chính khí hậu 100 tỷ USD mỗi năm tới năm 2020 cho các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động đầu tư trên thực tế vẫn chưa đạt được mức này. Kinh tế biển thường bị sao lãng trong các biện pháp kích cầu COVID-19 cho tới nay, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đang có các tác động nghiêm trọng đối với người lao động, các cộng đồng và các lĩnh vực phụ thuộc vào Kinh tế biển. Trong thập kỷ này, các quốc gia sẽ cần tìm hiểu các cơ hội và nguồn tài chính khí hậu khác nhau, ví dụ huy động nguồn tài chính đòn bẩy từ khu vực tư nhân, nghiên cứu trái phiếu xanh và triển khai các chương trình bảo hiểm rủi ro khí hậu.
Việt Nam phát triển bền vững kinh tế đại dương
Theo các số liệu từ Tổng cục Thống kê và Ngân hàng thế giới, Việt Nam có hơn 70 triệu người (khoảng 72% tổng dân số) sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. 83% sản lượng gạo trong nước cũng tập trung ở các tỉnh đồng bằng và ven biển thấp. Đây cũng là khu vực phát triển năng động của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nhiều thành phố và đồng bằng ven biển đang bị sụt lún ở tốc độ đôi khi còn cao hơn nhiều tốc độ mực nước biển dâng do các nguyên nhân tự nhiên và con người, và cơ sở hạ tầng đô thị đang gặp áp lực lớn. Các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu cũng là một vấn đề đáng quan ngại mới quan trọng. BĐKH đã làm trầm trọng hơn và tạo ra các rủi ro an ninh toàn cầu, khu vực và quốc gia bao gồm các áp lực di cư, tái định cư và xung đột tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng khan hiếm.
Chính trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chọn phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, có sự liên kết chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.
Với vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 cùng với cam kết trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, phục hồi và xây dựng lại tốt hơn sau đại dịch COVID-19, giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương và rác thải nhựa đại dương vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH). Đồng thời tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tháng 12 tới đây, Việt Nam đăng cai chủ trì tổ chức hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với BĐKH nhằm thể hiện vai trò của mình trong phát triển bền vững kinh tế đại dương, thích ứng với BĐKH; chung tay giải quyết các vấn đề thách thức chung toàn cầu./.
Tháng 10/2018, trong Nghị quyết 36-NQ/TƯ Chiến lược phát triển kinh tế biển 2030 tầm nhìn 2045, Đảng ta đã xác định rất rõ để đạt được phát triển kinh tế biển bền vững, phải lấy kinh tế biển xanh làm nền tảng, phát huy hiệu quả và gìn giữ được bản sắc văn hóa biển. Đây là vấn đề rất mới không chỉ về nhận thức mà còn mới trong hành động thực hiện các mục tiêu đề ra.
|
Nhâm Hồng