Nhiều hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội trong dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019

23/01/2019 16:10 (GMT+7)
Chiều 22/1/2019, tại cuộc Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, các phóng viên báo chí được biết nhiều thông tin về các hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

30 địa điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội đêm Giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019

Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm, trong đó 6 điểm bắn tầm cao và 24 điểm bắn tầm thấp.

Cụ thể, 6 điểm bắn tầm cao gồm: Hồ Hoàn Kiếm (trước trụ sở Báo Hà Nội mới), quận Hoàn Kiếm, sẽ kết hợp bắn pháo hoa tầm cao với tầm thấp và hỏa thuật; Vườn hoa Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao với tầm thấp và hỏa thuật; Công viên Thành tích Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao với tầm thấp và hỏa thuật; Đảo Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp; Hồ Văn Quán, quận Hà Đông, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp; Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây, kết hợp bắn pháo hoa tầm cao và tầm thấp. Mỗi điểm bắn pháo hoa tầm cao bắn 500 quả và 60 giàn tầm thấp.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

24 điểm bắn pháo hoa tầm thấp, gồm: Hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Công viên hồ Đền Lừ, quận Hoàng Mai; Trung tâm thương mại Vincom, quận Long Biên; Bán đảo hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa; Công viên Cầu Giấy, quận Cầu Giấy; Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, quận Thanh Xuân; Cầu sông Pheo, quận Bắc Từ Liêm; Khu đô thị 31ha thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm; UBND huyện Mê Linh; Sân vận động Quảng Oai, huyện Ba Vì; Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì... Mỗi điểm bắn pháo hoa tầm thấp bắn 120 giàn.

Thời lượng bắn là 15 phút, bắt đầu từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 5/2 (tức đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi). Kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Công an thành phố Hà Nội sẽ đảm bảo an toàn giao thông, hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực tổ chức bắn pháo hoa.

Tại các điểm bắn pháo hoa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, cổ động tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô.

Nhiều điểm mới trong Lễ hội chùa Hương 2019

Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt, với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch”, huyện Mỹ Đức đã phân công công việc cụ thể cho từng tiểu ban, gồm: Tiểu ban văn hóa - xã hội; Kinh tế - tài chính; An ninh trật tự; Quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp Công an thành phố tổ chức việc phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách tham quan.

Điểm mới nhất năm nay là, Ban tổ chức cấm hoàn toàn việc kinh doanh tại khu vực nội tự các chùa, các động. Việc kinh doanh cũng không được tiến hành tại các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài Nam Thiên Môn... Ban tổ chức cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.

Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết: Ban tổ chức đã chuyển toàn bộ khu ăn uống ra khỏi khu vực từ điểm mua vé đến động Hương Tích để bảo đảm rằng, người dân đi lễ sẽ hưởng không gian thanh tịnh, văn minh, không bị cảm giác xô bồ hàng quán.

Ban tổ chức cho biết, năm nay có tất cả 318 gian hàng được phép hoạt động. Đến nay, các hộ kinh doanh đều ký cam kết bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và các nội dụng khác theo yêu cầu của Ban tổ chức.

Các hộ kinh doanh được tập huấn và được cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức, có tủ bảo quản thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh ATTP.

Mùa lễ hội năm Kỷ Hợi, huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức 4.000 đò hoạt động trên suối Yến để đưa đón khách. Các chủ đò tham gia vận chuyển khách được tập huấn, tuyên truyền về quy tác ứng xử với du khách văn minh, lịch thiệp; bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy. Các đò phải được trang bị phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác.

Năm nay, Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đã in 1,5 triệu vé tham quan. Năm 2018, Ban tổ chức lễ hội đón hơn 1,4 triệu khách, thu 112 tỷ đồng trong những ngày Tết, năm nay Ban tổ chức hy vọng sẽ đón được nhiều hơn nữa du khách trong và ngoài nước đến với chùa Hương trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi.

Lễ hội đền Sóc: Thay đổi hình thức tán lộc

Lễ hội đền Sóc 2019 được tổ chức trong 3 ngày, từ 10 đến 12/2 (tức từ mùng 6 đến 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, năm nay, nghi lễ rước và tế lễ được thực hiện giống với mùa lễ hội năm 2018.

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Mạnh khẳng định, riêng việc phát lộc tiếp tục có đổi mới, tổ chức quy củ, chặt chẽ hơn, nhằm bảo đảm tính tôn nghiêm, văn minh nơi thờ tự. Đó là, sau nghi thức tế lễ, phẩm vật sẽ được đưa vào hậu cung, khi có đủ lực lượng an ninh, việc phát lộc mới được thực hiện.

Trước câu hỏi của báo chí về việc nguyên liệu làm bằng giò hoa tre giờ đây đã khan hiếm, nguyện vọng của nhân dân cũng đề xuất làm bằng cây vầu đề thay thế. Ông Nguyễn Hữu Mạnh cho biết, năm nay, Ban tổ chức nhất trí ý kiến của người dân, sử dụng cây vầu làm giò hoa để bảo đảm giò hoa được làm thuận tiện hơn, giảm bớt nỗi lo về khan hiếm nguyên liệu cho người dân.

Rút kinh nghiệm từ nhiều lần tổ chức trước, năm nay, Ban tổ chức Lễ hội đền Sóc sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động vui chơi, giải trí cho nhân dân với các trò chơi dân gian lành mạnh.
Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa: Tổ chức trang trọng, văn minh

Ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa diễn ra từ 6h đến 21h ngày 9/2/2019 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Công viên văn hóa Đống Đa.

Chương trình gồm hai phần: Lễ và hội. Phần lễ có các hoạt động: Tế lễ, rước Kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân, lễ dâng hoa, dâng hương, màn trống hội, múa rồng, diễn văn chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

“Lễ hội năm nay diễn ra trang trọng và có nhiều hoạt động hấp dẫn ở phần hội để phục vụ nhân dân”, ông Phan Hồng Việt khẳng định. Theo kế hoạch tổ chức, sẽ có nhiều hoạt tổ chức trong lễ hội, gồm: Biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, liên hoan, thi đấu, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực Công viên Văn hóa Đống Đa và các địa điểm khác trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh hoạt động chính, lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa còn có nhiều hoạt động như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; giới thiệu về di tích lịch sử Gò Đống Đa; triển lãm thời kỳ Tây Sơn; tổ chức cho học sinh tiểu học và THCS đến tham quan, học tập tại công viên văn hóa Đống Đa...

Trung Thành

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.