Hệ thống đồ da Efora: Bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc?

17/11/2018 9:05 (GMT+7)
Thời gian gần đây, tòa soạn báo Người tiêu dùng nhận được một số phản ánh của bạn đọc về chuỗi hệ thống đồ da Efora bày bán nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo lời quảng cáo thì Efora luôn cung cấp những sản phẩm đồ da thật mang tiêu chuẩn chất lượng châu Âu nhưng người tiêu dùng đang hoài nghi về chất lượng sản phẩm tại đây.

Nhãn phụ trước có dán nhưng do vận chuyển nên bị bong hết?

Cụ thể, tại thời điểm mục sở thị showroom Efora ở địa điểm Royal City 72A Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Tp. Hà Nội, PV trong vai khách hàng mua giày được nhân viên tư vấn khẳng định: “Bên tôi phân phối độc quyền, cam kết dòng thương hiệu có tiếng ở Ba Lan rồi. Nếu khách hàng thắc mắc thì bên tôi có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu từ bên đó.Cái nhãn phụ dán sản phẩm bên tôi trước có dán nhưng nó bong hết, tôi nói thật là giày bên tôi đều là bộ sưu tập mới, nhãn dán trên sản phẩm sau quá trình điều chuyển, vận chuyển nhiều nên bị mất”.

Nhiều sản phẩm giày dép bày bán không có tem nhãn phụ khiến khách hàng không phân biệt được nguồn gốc xuất xứ, đơn cử đôi giày da Gino Rossi có ghi rõ giá tiền nhưng cũng khiến người tiêu dùng hoang mang khi không có cụ thể thông tin chi tiết về sản phẩm.
Showroom Efora ở địa điểm Royal City 72A Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, Tp. Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV, tại thời điểm PV có mặt, nhiều showroom thuộc chuỗi hệ thống cửa hàng đồ da Efora tại Hà Nội (các cơ sở gồm Royal City 72A Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân; Lotte 54 Liễu Giai, Q. Ba Đình; Times City 458 Minh Khai, Q. Hoàng Mai) thuộc sở hữu của Công ty CP thương mại Âu Á (mã số thuế 0103757105, giám đốc: Lê Diệu Loan) thì hầu hết các sản phẩm như vali, cặp, balo, giày dép được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng tại đây không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt khiến người tiêu dùng đang hết sức hoang mang nghi vấn về sự trà trộn của hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Những chiếc vali được trưng bày bán tại cửa hàng nhưng không rõ ràng tem nhãn, mặc dù được nhân viên khẳng định đây đều là hàng chính hãng của thương hiệu nổi tiếng

Ngoài ra, nhân viên tư vấn tại đây nhấn mạnh thêm: “Sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, là dòng da thật, bên tôi phân phối nhiều dòng thương hiệu như giày của Ý, Ba Lan; túi là của Ý, Trung Quốc…Chúng tôi đảm bảo cho khách hàng là da thật, tất cả lỗi về bong tróc, nổ da thì chúng tôi sẽ hỗ trợ cho khách hàng hết. Hoặc đơn giản, chúng tôi phân phối dòng này về Việt Nam thì bên Ý cam kết là da thật khi chúng tôi đưa đến tay người tiêu dùng thì vấn đề bong tróc nổ sẽ được chúng tôi gửi về bên hãng để hãng xử lý. Chị mua hàng không giảm giá hoặc giảm giá dưới 30% thì sẽ được bảo hành trong 1 năm, còn nếu chị mua hàng giảm giá nhiều thì bên tôi đã hỗ trợ về giá nên sẽ không được bảo hành”.

Chiếc túi xách Shoulder bag in hoa nhập nhằng tem nhãn, người tiêu dùng cũng đang hoài nghi về chất lượng sản phẩm này có phải hàng chính hãng thực sự hay không?

Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa bị xử lý thế nào?

Nhãn phụ là nơi thể hiện đầy đủ các thông tin xuất xứ của sản phẩm, ngày nhập khẩu, đơn vị nhập khẩu. Đó chính là những chỉ dẫn quan trọng cần thiết với người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo khuyến cáo từ cơ quan quản lý nhà nước về thị trường. Khách quan thì đó là căn cứ để cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hàng hóa trên thị trường theo quy định.

Cụ thể theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.

Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa. Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc

Theo quy định hiện hành, nếu hàng hóa theo quy định phải có nhãn nhưng lại không ghi nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa hoặc hàng hóa có nhãn bị tẩy xóa, sửa chữa nhãn gốc hoặc nhãn phụ làm sai lệch thông tin về hàng hóa, thì hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng. Mức phạt sẽ tăng lên nếu giá trị hàng hóa lớn hơn và mức tối đa của mức xử phạt là phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Ngoài mức phạt chính, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có nhãn vi phạm hoặc buộc ghi lại nhãn hàng hóa theo đúng quy định theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

Còn hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu theo quy định phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhãn phụ phải được dịch nguyên bản từ nhãn gốc; Nếu hàng hóa không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi thì mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng và mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 26 Nghị định 80/2013 của Chính phủ.

PV đã trực tiếp tới văn phòng của chuỗi hệ thống cửa hàng đồ da Efora tại Hà Nội (Công ty CP thương mại Âu Á của Toà nhà Thống Nhất - 25 Tô Vĩnh Diện, Thanh Xuân, Hà Nội) để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, qua nhiều lần liên hệ với đại diện của chủ cơ sở này thì PV vẫn chưa nhận được câu trả lời để khách quan cung cấp tới bạn đọc? Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các cơ quan chức năng và Cục Quản lý thị trường để thông tin tới bạn đọc ở bài viết tiếp theo.

Theo Người Tiêu Dùng

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng thật, hàng giả
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.