Bứt phá thành công, xuất khẩu gạo Việt Nam xác lập kỷ lục mới

11/07/2023 9:45 (GMT+7)
KDBM - Xuất khẩu gạo đang là "điểm sáng" của ngành xuất khẩu, tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 4,3 triệu tấn gạo, dự kiến trong nửa cuối năm xuất khẩu hơn 4 triệu tấn nữa. Dự tính sản lượng gạo năm nay tăng 0,4 triệu tấn, trong khi nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng 1 triệu tấn so với năm ngoái.

Vượt mặt đối thủ "nặng ký" Thái Lan, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng vọt

Hiện nay, giá lúa gạo tại ĐBSCL đang tăng một cách kỷ lục được xác lập không chỉ ở trong nước mà còn ở bên ngoài quốc gia. Giao dịch gạo giao động từ 500-510 USD/tấn, con số này đã mang lại kỷ lục mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong 2 năm gần đây. Giá gạo cao đã kéo theo giá thu mua lúa trong nước tăng mạnh và vượt Thái Lan, đối thủ “nặng ký” đã xác lập gần một phần ba thế kỷ qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu trong nhóm hàng nông sản. Lượng xuất khẩu gạo ước đạt 4,27 triệu tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đánh dấu sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng.

Trong nửa đầu năm 2023, Philippines được coi là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất với khối lượng đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 772 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng tới 31% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Thị phần chiếm đến 40% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.

Sau Philippines, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với khối lượng hơn 632.000 tấn (tăng 63%), trị giá 364 triệu USD (tăng 79%), thị phần chiếm 19%. Indonesia là thị trường bất ngờ vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm 2023 với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng rất mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023, như Đài Loan tăng 142%, Senegal tăng 1.147%, Chile tăng 4.120%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%... Xuất khẩu gạo qua một số thị trường tại EU cũng tăng trưởng ở mức ba con số như Ba Lan tăng 117%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 308%,...

Đặc biệt, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm và gạo có chất lượng vào các thị trường ngách nên trị giá thu được rất cao. Về giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): "Trong 6 tháng cuối năm là cơ hội xuất khẩu gạo rất tốt vì sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino. Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế".

Trong nhiều tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang liên tiếp nhận các đơn hàng lớn, dù đã vét sạch kho cũng không đủ đáp ứng đủ số lượng. Dự báo, với tình hình này hết năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam có thể lập kỷ lục trên 4 tỷ USD.

Dưới ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều quốc gia đang bị sụt giảm sản lượng lúa gạo, kèm theo đó là ảnh hưởng xung đột khiến việc cung ứng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị đứt gãy. Điều này cho thấy, giá lúa gạo sẽ còn tiếp tục tăng và là cơ hội lớn cho lúa gạo Việt Nam.

Vét sạch kho gạo không đủ, xuất khẩu gạo dự báo lập kỷ lục 4 tỷ USD

 Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.

Công điện nêu rõ, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường đã tác động tiêu cực đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trong đó có mặt hàng gạo.

Với các giải pháp chỉ đạo, điều hành chủ động, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm ước tăng 22,2% về lượng, tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và nền kinh tế, đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng, bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và lợi ích người nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; công tác phát triển thị trường chưa tương xứng với tiềm năng ngành hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo; giá cả đầu vào tăng cao…

Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, tận dụng thời cơ, cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay; Xây dựng cơ sở hạ tầng; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo; Đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận; Định hướng nông dân và thương nhân tăng cường công tác bảo quản, chế biến; Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo; Linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại;…

Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường thông tin tình hình thị trường gạo thế giới cũng như nhu cầu của các đối tác đến các thương nhân xuất khẩu gạo và các địa phương liên quan; chủ động đề xuất các chương trình XTTM vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam.

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2023 về Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

 Văn Khê - Thùy Linh

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.