Đề xuất cắt giảm hàng hóa kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

15/11/2020 8:55 (GMT+7)
Trong 7 nội dung cải cách của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ, vấn đề áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm đóng vai trò quan trọng nhằm giảm số lô hàng phải kiểm tra.

Công chức Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long kiểm hàng hoá XNK. Ảnh: N.Linh

Kỳ vọng mô hình mới

Theo bà Bùi Kim Thùy - đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), USABC đại diện 165 tập đoàn thành viên Hoa Kỳ đang có hoạt động kinh doanh tại ASEAN và Việt Nam rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ tại Điểm 8 Nghị quyết 99/NQ-CP. Trong đó Chính phủ đã có chỉ đạo rất rõ ràng giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án Cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Với nội dung cải cách đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, theo đánh giá của dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ sẽ tiết kiệm được cho doanh nghiệp về nguồn lực, chi phí cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Trong một năm chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp xấp xỉ 37,8 triệu USD; cắt giảm 86.166 tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; tổng số ngày kiểm tra tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại là hơn 2,4 triệu ngày. Theo bà Thùy, chỉ nghe con số đã vô cùng mừng nếu đề án được thực hiện. Tuy nhiên để triển khai được các nội dung cải cách đó đòi hỏi sự chung tay chung sức của nhiều bộ, ngành, hiệp hội và cơ quan có liên quan.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, cần nhìn trên lợi ích tổng thể của cộng đồng DN. Chính vì vậy 7 giải pháp đề án đưa ra là giải pháp quan trọng, hy vọng sớm hiện thực hóa và các nội dung cải cách được chuyển tải đầy đủ. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.

Một trong 7 nội dung cải cách của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu mà Bộ Tài chính trình Chính phủ là áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. Hiện nay các phương thức kiểm tra: chặt, thông thường, giảm đã được quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định quy định chi tiết Luật An toàn thực phẩm). Trong lĩnh vực chất lượng thì các văn bản quy phạm pháp luật chưa được quy định các phương thức kiểm tra mà chỉ quy định về miễn giảm kiểm tra.

Ba phương thức kiểm tra quyết định mặt hàng giảm

Kế thừa quy định và thực tiễn tốt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Đề án đề xuất áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. Cụ thể về kiểm tra an toàn thực phẩm tại khoản 2 Điều 40 Luật An toàn thực phẩm quy định các phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm quy định: “Phương thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu bao gồm: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm”.

Tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định các phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm như sau: Kiểm tra an toàn thực phẩm gồm 3 phương thức: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Theo đó sau 3 lần liên tiếp kiểm tra chặt đạt yêu cầu sẽ chuyển sang kiểm tra thông thường, 3 lần liên tiếp trong vòng 12 tháng kiểm tra thông thường đạt yêu cầu sẽ chuyển sang kiểm tra giảm (Điều 17 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP). Đối với phương thức kiểm tra giảm, chỉ kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm (Điều 16 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).

Về kiểm tra chất lượng, tại khoản 4 Điều 27 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định: “Việc miễn, giảm kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận đã áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực được thực hiện theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực”.

Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) quy định việc áp dụng biện pháp miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu: “Đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 2 năm”.

Theo Bộ Tài chính, qua nghiên cứu Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm cơ bản thống nhất về trình tự thủ tục kiểm tra (Điều 40 Luật An toàn thực phẩm quy định trình tự thủ tục kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa). Đây là cơ sở quan trọng để thống nhất về quy trình thủ tục trong mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu. Luật An toàn thực phẩm có quy định thêm so với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phương thức kiểm tra.

Đây là một điểm mới tiến bộ so với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng không mâu thuẫn với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, trong khâu tổ chức thực hiện thi hành luật có thể áp dụng quy định này cho cả hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm tra chất lượng.

Cụ thể: Phương thức kiểm tra chặt: Là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm. Phương thức kiểm tra thông thường: Là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Phương thức kiểm tra giảm: Là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó.

Việc áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra: Kiểm tra chặt; Kiểm tra thông thường; Kiểm tra giảm đối với cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm là một trong trong những nội dung cải cách mà Đề án hướng tới, từ đó làm giảm đáng kể số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo Hải quan Online

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Vệ sinh an toàn thực phẩm
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.