Chiếc quạt panka và cậu bé kéo quạt

19/11/2020 8:40 (GMT+7)
Thời Pháp thuộc, ở một số công sở, trường học do người Pháp xây dựng thường có chiếc quạt panka. Nôm na, đó là một tấm vải lớn treo trên trần nhà, có dây dài ròng xuống dưới. Khi cầm dây kéo lên xuống thì cả tấm vải lớn kia sẽ đung đưa phe phẩy, tạo gió mát. Ở nhiều nhà dân, người chủ khéo tay “bắt chước”, có thể thay tấm vải lớn đắt tiền bằng những vật liệu khác: chiếc chiếu, tấm mây đan… tuỳ gia cảnh.

Ảnh minh hoạ: ST

Trong cuốn sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã mô tả rất kỹ nhà cửa của những người có của, trong đó không thể thiếu chiếc quạt panka với cơ chế hoạt động đơn giản mà khá là hiệu quả. Giờ thì – tất nhiên – không ai dùng quạt panka để làm mát phòng nữa, nhưng nhiều khách sạn sang trọng ở Dubai vẫn lắp đặt panka để trang trí.

Người Pháp không sở hữu bằng sáng chế chiếc quạt panka, thậm chí không sáng tạo ra từ “panka”. Từ này có nguồn gốc từ Ấn Độ, là biến thể của từ “punkha” trong tiếng Ấn, chỉ các quạt treo trên tường được các người hầu kéo qua các dây thừng trong phòng khách ở nhà các đại gia người Ấn. Punkha sau đó được người Anh phổ biến đến rất nhiều xứ khác. Trong văn phòng hoặc tòa án, một số panka có thể được kết nối với nhau bằng dây để chúng lắc lư đồng loạt.

Cũng liên quan đển chiếc quạt này, có một câu chuyện thú vị rất đáng suy ngẫm. Theo gia đình học giả - nhà báo lỗi lạc Nguyễn Văn Vĩnh, những năm cuối thế kỷ 19, vì gia cảnh ngày đó nghèo khó, cậu bé Nguyễn Văn Vĩnh mới 8 tuổi đã đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (sau này là khu vực chân cầu Long Biên). Thấy có lớp học của người Pháp mở trong một ngôi đình, cậu bé ham lắm, xin được một chân ngồi kéo quạt panka cho lớp học. Ngồi cuối lớp kéo quạt, nhưng với tư chất đặc biệt thông minh, Nguyễn Văn Vĩnh đã học lỏm, nói và viết được tiếng Pháp khá thành thạo, dù không phải học sinh chính thức. Cảm mến cậu bé, thầy giáo người Pháp đặc cách cho cậu tham gia kỳ thi mãn khoá (năm 1893) và đỗ, xếp thứ 12 trong 40 học sinh của khóa học. Đó chính là trường Hậu bổ (Collège des Interprètes du Tonkin - sau khi học xong sẽ được bổ nhiệm làm thông ngôn của Toà Sứ). Ngôi đình nay còn nguyên, nằm trong khuôn viên của trường THCS Mạc Đĩnh Chi, sát hồ Trúc Bạch, Hà Nội ngày nay.

Năm đó, Nguyễn Văn Vĩnh mới tròn 10 tuổi, quá nhỏ để bổ nhiệm đi làm việc, nên sau đó được đặc cách học tiếp không mất học phí. Kỳ tích đó đã mở ra sự nghiệp học thuật, báo chí lẫy lừng của Nguyễn Văn Vĩnh, cậu bé kéo quạt panka năm nào.

Theo Cẩm Hà/Hải Quan Online

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Văn hóa xã hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.