Không có mức trần, khó chống độc quyền về giá trang thiết bị y tế

15/05/2022 15:15 (GMT+7)
Nghị định 98/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu hành trên thị trường, tránh các trường hợp đẩy giá, thổi giá. Thế nhưng, Nghị định 98 khó có thể kiểm soát giá của các doanh nghiệp kinh doanh độc quyền sản phẩm lại không dễ dàng.

Ý nghĩa và áp dụng thực tiễn

Ngày 08/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về Quản lý trang thiết bị y tế để thay thế các Nghị định: Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016, Nghị định số169/NĐ-CP ngày 31/12/2018 và Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định số 98/2021/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Nhằm đổi mới trong quản lý trang thiết bị y tế, kể từ năm 2022 thực hiện quản lý giá, phân cấp quản lý, cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch. Ngày 30/12/2021, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến rộng rãi nội dung của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, buổi sáng ngày 30/12/2021 với các Sở Y tế, các đơn vị  thuộc/trực thuộc Bộ Y tế với hơn 1.200 điểm cầu, buổi chiều ngày 30/12/2021 với các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc với hơn 1.500 điểm cầu. 

Đã qua nửa năm kể từ khi Nghị định 98/2021/NĐ-CP (Nghị định 98) đi vào thực tiễn, thế nhưng không ít người vẫn đặt ra câu hỏi: Nghị định 98 có thực sự làm minh bạch về giá vật tư, trang thiết bị y tế? Đặc biệt là theo nghị định này, sẽ không có mức giá trần để quy chiếu, so sánh.

Ông Trịnh Đức Nam, chuyên viên Vụ trang thiết bị y tế - Bộ Y tế cho biết: Theo quy định của Nghị định 98, thì quy định quản lý giá hoàn toàn theo đúng cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, Bộ Y tế không quản lý mức giá tối đa của trang thiết bị y tế mà doanh nghiệp đưa lên, pháp luật hiện hành cũng chưa có một văn bản nào quy định về định mức chi phí, định mức lợi nhuận mà hoàn toàn do doanh nghiệp chủ sở hữu sản phẩm tự định giá.

Theo ông Nam, điều này không có ý nghĩa Bộ buông lỏng cho các doanh nghiệp “muốn làm gì thì làm” về giá. Theo đó, việc kê khai giá sẽ chỉ có duy nhất chủ sở hữu số lưu hành của trang thiết bị y tế quyết định. Chủ sỡ hữu này có thể là đơn vị phân phối hay nhà sản xuất, nhưng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, bao gồm cả bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng và cung cấp vật tư, phụ kiện thay thế sau này.

Có thể hiểu rằng, các doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh trên thương trường, sẽ phải tự điều chỉnh mức giá sản phẩm mình niêm yết xuống một mức đủ thấp để có được khách hàng, tránh tình trạng giá tăng không kiểm soát. Thế nhưng, việc điều chỉnh giá này dường như chỉ áp dụng với các mặt hàng thường thấy hoặc có nhiều hơn 01 đơn vị phân phối. 

Vẫn còn “độc quyền” về giá

Việc công khai, minh bạch về giá trang thiết bị y tế là cần thiết, thế nhưng, quá trình áp dụng Nghị định 98 vẫn còn những bất cập khi liên quan đến một số trang thiết bị y tế thuộc dạng “độc quyền”, khi mà các doanh nghiệp (chủ sở hữu số lưu hành) hoàn toàn có thể kê khai giá theo bất kỳ con số nào mong muốn.

Theo đơn thư phản ánh mà phóng viên nhận được, đưa ra thông tin về việc nhiều trang thiết bị y tế của hãng Arthrex - một công ty chuyên sản xuất trang thiết bị y tế tại Mỹ, đã được “đội giá” lên gấp nhiều lần giữa giá vốn (giá nhập khẩu) và giá bán sản phẩm công bố tại website quản lý giá trang thiết bị y tế. Theo đó, tỷ lệ chênh lệch có thể từ 262% đến 1.138%. 

Một số trang thiết bị được liệt kê bao gồm: vít hàng gân PEEK mã số AR-1590-PS, giá nhập khẩu 4.126.200 đồng, giá bán 15.000.000 đồng (chênh lệch 264%); Vít chỉ neo dạng xoắn toàn ren AR-1915FT, giá nhập khẩu 3.042.900 đồng, giá bán 14.000.000 đồng (chênh lệch 360%); Bộ vít neo cố định dây chằng mã số AR-8978-CP, giá nhập khẩu 3.795.000 đồng, giá bán 47.000.000 đồng (chênh lệch 1.138%)…

 

Việc giá bán các sản phẩm của hãng Arthrex được điều chỉnh lên rất cao dẫn đến câu hỏi: nếu không có mức trần để hợp lý giá bán tối đa, thì doanh nghiệp phân phối sản phẩm độc quyền có thể tự do thao túng thị trường? Công khai giá để làm gì, khi doanh nghiệp có thể tự định giá giá trị sản phẩm của mình lên gấp 10, thậm chí gấp 100 lần giá trị thực? 

Về vấn đề này, ông Nam cho hay: “Độc quyền về sản phẩm và độc quyền về giá thuộc phạm vị khác, do mục tiêu của việc kê khai giá là công khai minh bạch, chống mua bán lòng vòng, khai khống giá trị sản phẩm, dẫn đến sản phẩm bị đội giá lên gấp nhiều lần.

Để làm rõ hơn về mức chênh lệch giá, phóng viên đã tới văn phòng đại diện của Công ty Arthrex tại Việt Nam (địa chỉ tại Phòng 025 (025B), tầng 4, Centec Business Center, số 72 - 74, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 06, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), thế nhưng, trái với một văn phòng khang trang của một doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhân viên lễ tân tại đây cho hay văn phòng đại diện của Arthrex chỉ là một căn phòng nhỏ quanh năm khóa cửa, số lần có người ra vào văn phòng này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có thể thấy, tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng là khó có thể kiểm soát được. Ai có thể thẩm định đầy đủ tình trạng hạch toán nếu có gian lận chi phí sản xuất, chi phí đầu tư, tài sản cố định, chi phí góp vốn, đặc biệt là nếu các doanh nghiệp độc quyền như Arthrex đặt trụ sở và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, gần như không thể liên hệ để xác minh các thông tin trên?

Từ vấn đề này, liệu có thể xảy ra trường hợp doanh nghiệp trong nước (chịu trách nhiệm đại diện), thay vì qua nhiều bước nâng giá trung gian, sẽ trực tiếp câu kết với doanh nghiệp nước ngoài (chịu trách nhiệm phân phối) để nâng giá các sản phẩm độc quyền trong quá trình tự định giá?

Theo nhiều chuyên gia, muốn quản lý minh bạch giá trang thiết bị y tế, chống thao túng, độc quyền thì nên mời các chuyên gia độc lập tham gia xây dựng giá trần, chuyển quản lý giá trang thiết bị y tế sang Bộ Tài chính, nghiên cứu việc đấu thầu trang thiết bị y tế tập trung, triển khai thí điểm trước tại một số tỉnh thành.

Khánh Nam

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sức khỏe
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.