Tuần lễ văn hóa làng nghề Vạn Phúc: Gắn kết truyền thống cùng xu hướng đổi mới

14/11/2018 16:00 (GMT+7)
Nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp văn hóa, sản phẩm thủ công truyền thống của người dân làng Vạn Phúc với du khách trong nước và quốc tế, ngày 8/11 tại Làng Lụa, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội đã diễn ra tuần lễ văn hóa làng nghề Vạn Phúc.

Với chủ đề 'Vạn Phúc – sắc lụa nghìn năm', Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2018 được diễn ra từ ngày 8 – 17/11/2018. Đây là sự kiện thường niên nhằm quảng bá, giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước về làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng của làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2018 được tổ chức trong vòng 10 ngày từ 8-17/11.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch - Thương mại làng nghề Vạn Phúc gồm 3 phần chính: phần lễ, phần hội và phần thương mại quảng bá làng nghề. Phần lễ bắt đầu vào sáng ngày 8/11 với chủ đề “Vạn Phúc dấu xưa”, tổ chức rước tâm linh văn hóa làng nghề. Khối rước đầu tiên mang nội dung giới thiệu về truyền thống cách mạng của làng lụa Vạn Phúc, bao gồm: Di tích cách mạng Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc năm 1946.

Tiếp sau đó là khối rước Thành hoàng làng, và khối cuối cùng rước tưởng nhớ công ơn của tổ nghề dạy người dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, bao gồm: diễu hành khung dệt cổ, chị em mặc áo dài chất liệu tơ tằm gánh trên vai những dải lụa quê hương.

Về phần hội là những chương trình múa rối nước, hát quan họ, hát chầu văn tại vị trí sân đình. Điểm nổi bật, độc đáo nhất của tuần lễ hội văn hóa là phố đi bộ dẫn vào làng được trang trí bởi hơn 1. 000 chiếc ô với đủ màu sắc rực rỡ, nơi đây được mệnh danh là thiên đường check – in lý tưởng của du khách đến tham quan.

Hơn 1. 000 chiếc ô với đủ màu sắc rực rỡ được tổ chức tại lễ hội.

Cùng với đó là bức tường bích họa tái hiện lại khung cảnh quê hương, cuộc sống sinh hoạt của con người nơi đây. Được biết, bức bích họa do chính người dân, cán bộ phường tiến hành trang trí để chào đón Tuần văn hóa làng lụa Vạn Phúc năm 2018.

Với phần thương mại ban tổ chức sẽ treo biển hiệu thống nhất với những gian hàng đủ điều kiện theo mô hình đạt chuẩn, có niêm yết công khai nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm.

Con đường bích họa do chính người dân, cán bộ phường tiến hành trang trí để chào đón Tuần văn hóa làng lụa Vạn Phúc năm 2018.

Tuần văn hóa du lịch làng nghề Vạn Phúc là hoạt động thường niên, nhằm khơi dậy tình yêu, sự biết ơn của người dân đối với Tổ nghề và làng nghề truyền thống, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.

Làng lụa Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, thuộc quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km) là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có lịch sử từ ngàn năm trước.

Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Lụa Hà Đông từng được chọn may trang phục cho triều đình. Là một trong những làng nghề truyền nổi tiếng nhất Việt Nam, Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932), được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang các nước Đông Âu; từ năm 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, các sản phẩm lụa Vạn Phúc được sản xuất đa dạng mẫu mã, chủng loại để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Tuần lễ văn hóa làng nghề Vạn Phúc thu hút sự tham gia của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc có gần 800 hộ gia đình vẫn duy trì nghề dệt vải truyền thống, chiếm đến khoảng 60% tổng số hộ sinh sống ở nơi đây. Hàng năm, làng sản xuất được từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải lụa với chất liệu tơ tằm.

Do không còn diện tích để trồng dâu, nuôi tằm nên bây giờ, người dân chủ yếu dệt lụa là chính. Nguồn tơ sẽ được chọn lựa mua ở các tỉnh khác trong nước như huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) hay nhập từ Brazil. Tuy nhiên, những tấm vải lụa nơi đây vẫn đảm bảo chất lượng ưu Việt của nó.

Việc kết hợp phát triển làng nghề với phát triển thương mại, du lịch là một trong những bước đi đổi mới hiệu quả của làng lụa Vạn Phúc. Thành quả đó đã được chứng minh rõ nhất với sự quan tâm đông đảo của người dân cũng như du khách đến với chương trình Lễ hội văn hóa – thương mai – du lịch năm 2018.

Vũ Cừ

 

Có thể bạn quan tâm: văn hóa truyền thống làng nghề
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.