Đây là triển lãm duy nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống được nhà tổ chức VINEXAD tập trung xây dựng mô hình kết nối thương mại B2B (Business to Business) giữa các nhãn hàng quốc tế với các nhà nhập khẩu, phân phối; Kết nối các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới khách mua hàng nước ngoài; hỗ trợ quảng bá nông sản hữu cơ tới công chúng tham quan. Triển lãm góp phần thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam, kích thích các dịch vụ phụ trợ ngành du lịch tăng trưởng và phát triển.
Việt Nam đang được đánh giá là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống. Do đó, những năm gần đây các thương hiệu ngoại ngày càng “lấn át” và thâu tóm DN nội địa trên mặt trận đồ uống và thực phẩm. Đứng ở góc độ tích cực thì đó là một lời giải đúng khi nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và sản lượng đủ đáp ứng. Việc thu hút đầu tư cũng đồng nghĩa Việt Nam sẵn sàng đón nhận mô hình vận hành chuyên nghiệp và chuyển giao công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến.
Nếu như năm 2017, triển lãm thu hút 200 doanh nghiệp tới từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thì năm nay số lượng doanh nghiệp đã lên tới hơn 250 doanh nghiệp đến từ 12 quốc gia trên thế giới tham dự. Tróng đó, 67% là nhóm hàng thực phẩm và đồ uống, 30% là nhóm hàng máy móc và dây truyền sản xuất, chế biến. Tại triển lãm năm nay, các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như gia vị truyền thống, trà, café, tổ yến, sản phẩm nông sản hữu cơ, hải sản đông lạnh suất khẩu đến từ các doanh nghiệp uy tín như Ba Vì Milk, cánh đồng vàng, DH Food, TOGICO, Tân Nhất Hương, Yến sào Khánh Hòa, Nước mắm phan thiết… đã thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng. Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc, năm nay triển lãm cũng đã thu hút được các doanh nghiệp mới như Công ty TNHH Nông trại Hữu cơ Gen Xanh, nhóm các doanh nghiệp của Viện nghiên cứu phát triển Mê Kông… với các sản phẩm chính là trà thảo dược, bột gạo dinh dưỡng.
Có thể nói, giờ đây các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh nông sản sạch hay thậm chí các đơn vị thu mua lẻ làm việc trực tiếp với các hộ nuôi trồng, họ nhận thức rõ cách thức quảng bá chuyên nghiệp sẽ càng làm tăng giá trị sản phẩm và lợi ích của người nông dân. Nên họ đã đến với triển lãm để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm mình đang kinh doanh, sản xuất.
Theo BTC, trong 20 năm tổ chức triển lãm chuyên ngành thực phẩm và đồ uống, BTC đã không ngừng đưa các phương thức tiếp cận mới, tổ chức các hội thảo để kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội để hỗ trợ truyền thông, quảng bá các sản phẩm, kết nối các nhà sản xuất với người tiêu dùng. Đặc biệt, các hội thảo chuyên đề như “làm gì để kết nối hiệu quả sản xuất với tiêu dùng” hay “Thực phẩm hữu cơ và xu thế tiêu dùng tại các đô thị”… cũng góp phần tạo những tiền đề cơ bản và quan trọng cho việc quảng bá thương hiệu sản phẩm và khẳng định sự cần thiết trong việc kết nối cũng như phân phối sản phẩm cho nhà sản xuất.
Triển lãm không chỉ mang vai trò giúp các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, kết nối các đối tác với nhà sản xuất hay người tiêu dùng; triển lãm còn góp phần tạo điều kiện để thu hút các du khách là những nhà đầu tư, doanh nghiệp tới Việt Nam tìm hiểu về môi trường, cảnh quan, đất nước, con người cùng những nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Góp phần tăng trưởng kinh tế các dịch vụ phụ trợ cho ngành Du lịch.
Khải Bình