Tạo động lực mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong thời kỳ mới

11/10/2019 8:40 (GMT+7)
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Tạp chí Hàng hoá và thương hiệu Hà Nội trân trọng trích đăng bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về những quan điểm mới định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài(ĐTNN) trong thời kỳ mới.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”. Tạp chí Hàng hoá và thương hiệu Hà Nội trân trọng trích đăng bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về những quan điểm mới định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài(ĐTNN) trong thời kỳ mới.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Sau khi nêu bật những kết quả thu được thực hiện thu hút ĐTNN 30 năm qua, cùng những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó, Phó Thủ tướng nêu rõ:

Từ thực tiễn của hoạt động thu hút ĐTNN trong suốt những năm qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải có những quan điểm mới để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp bối cảnh mới . Đó là:

1. Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

2. Xây dựng, hoàn thiện, thể chế chính sách về ĐTNN phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao.

3. Chủ động thu hút, hợp tác ĐTNN có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu,

4. Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác ĐTNN và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

5. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và phát huy sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp trong việc hoàn thiện, thực thi và giám sát việc thực hiện thể chế, chính sách về thu hút và hợp tác ĐTNN.

Căn cứ vào 05 quan điểm trên, xác định mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là:hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác ĐTNN có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách chung về ĐTNN; Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN. Cụ thể là:

- Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách chung về ĐTNN. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư, khái niệm về các hoạt động đầu tư, về danh mục địa bàn, lĩnh vực, đối tượng được áp dụng ưu đãì đầu tư trong các luật về đầu tư nước ngoài và các luật có liên quan để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.Nghiên cứu, xây dựng quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”. Nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh”trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá ừị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về đầu tư, chứng khoán và quản lý ngoại hối theo hướng phân định rõ giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; thống nhất giữa pháp luật doanh nghiệp và quản lý ngoại hối về tài khoản mua bán, chuyển nhượng cổ phần.

- Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư. Xây dựng cụ thể danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế; ngoài danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như nhà đầu tư trong nước. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động ĐTNN có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.Đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt cam kết; phân biệt ưu đãi giữa các ngành, nghề đầu tư khác nhau. Có chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ dựa trên cơ sở thoả thuận, tự nguyện. Áp dụng nguyên tắc ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết.

Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao…thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo;tăng liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp ĐTNN đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ cho lao động Việt Nam; sử dụng người lao động Việt Nam đã làm việc, tu nghiệp ở các quốc gia tiên tiến.

Xây dựng chính sách thu hút ĐTNN cân đối, hợp lý giữa các vùng miền theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chinh sách ưu đãi thu hút ĐTNN vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng Sông Cửu Long. Nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác.Đa dạng hóa và phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công - tư (PPP) vào cơ sở hạ tầng, hình thức mua lại và sáp nhập (M&A) đối với các nhà ĐTNN. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới.

- Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư. Sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm quyền, nghĩa vụ, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về lao động, việc làm và tiền lương, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động theo hướng minh bạch, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều chỉnh hợp lý khoảng cách lương tối thiểu giữa các vùng để hạn chế tập trung lao động tại các đô thị lớn, giảm áp lực về cơ sở hạ tầng. Quy định rõtrách nhiệm của nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp ĐTNN trong xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trường mẫu giáo, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao,... phục vụ người lao động; về bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, triển khai dự án và hoạt động của doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

- Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư. Nâng cao năng lực phân tích dự báo của các cơ quan xây dựng, ban hành thể chế chính sách; kịp thời ban hành các quy định điều chỉnh các quan hệ kinh tế mới, các mô hình, phương thức kinh doanh mới,... Rà soát, hoàn thiện các quy định về chống độc quyền phù hợp thông lệ quốc tế; về đáp ứng điều kiện tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh; về bảo đảm quốc phòng, an ninh khi nhà ĐTNN, doanh nghiệp ĐTNN góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp tại Việt Nam.

Hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật thuế, ngoại hối,hải quan, đầu tư, khoa học công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tinđể kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành. Xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi. Hoàn thiện quy định giải quyết có hiệu quả những vướng mắc đối với dự án có cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản của nhà ĐTNN khi kết thúc hoạt động và xử lý các trường hợp nhà ĐTNN vắng mặt hoặc bỏ trốn.

Đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý‎‎‎‎ nhà nước; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả ĐTNN về kinh tế, xã hội,môi trường và quốc phòng, an ninh,...Hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động quản lý‎, giám sát ĐTNN, quy định rõ trách nhiệm. Có cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường phân phối trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Cơ cấu lại hệ thống các cơ quan xúc tiến đầu tư hiện có (không thành lập mới) theo hướng, chuyên nghiệp, tách bạch với chức năng quản lý nhà nước về ĐTNN; gắn kết với xúc tiến thương mại và du lịch phù hợp với đặc thù từng địa phương. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với các tiêu chí hợp tác đầu tư mới; tiếp tục duy trì các thị trường và đối tác truyền thống đồng thời mở rộng thị trường, đối tác mới. Có đầu tư thỏa đáng, đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗvới những dự án hợp tác thành công cụ thể. Ưu tiên thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư quốc gia, vùng, liên ngành. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế-xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, thị trường,... Tăng cường cơ chế đối thoại, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đang thực hiện.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ĐTNN. Xử lý nghiêm tình trạng thực hiện thể chế, chính sách thiếu thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương. Nghiêm cấm việc cấp, điều chỉnh, quản lý, đàm phán dự án ĐTNN, ban hành quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư,... trái thẩm quyền, trái quy định pháp luật. Việc đàm phán, thỏa thuận các Cam kết bảo lãnh chính phủ (GGU), ký hợp đồng BOT, bao tiêusản phẩm,... phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Chấn chỉnh công tác quản lý, triển khai dự án đầu tưtheo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án,... Bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án ĐTNN theo đúng quy định pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến ĐTNN.

Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ĐTNN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thống nhất một đầu mối tại các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh phân công, phân cấp, phối hợp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chú trọng nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ,phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, liên thông với các lĩnh vực lao động, đất đai, thuế, hải quan, tín dụng, ngoại hối... Nâng cao chất lượng công tác thống kê, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, chính xác và phù hợp với thông lệ quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong quản lý ĐTNN; định kỳ bình chọn, vinh danh các nhà đầu tư tiêu biểu.

Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên, cũng cần tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy và thống nhất trong hành động về ĐTNN. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đối với khu vực ĐTNN./.

 

                                                                                                          TC

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.