Người dân nơi đây cho biết, sông Cầu Đá đã có từ hơn 100 năm về trước, là con sông thoát nước của các phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) nhưng 10 năm trở lại đây nước sông chỉ một màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc.
Đoạn sông tại ngõ 579, ngõ 599, ngõ 521 đường Phạm Văn Đồng là đoạn sông bị ô nhiễm nặng nề nhất. Hai bên bờ sông có rất nhiều ống nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình xả trực tiếp ra dòng sông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây lên tình trạng ô nhiễm này.
Tại vị trí khu vực Cầu Đá, ven hai bên bờ sông, người dân lấn chiếm xây dựng lều bạt tạm bợ, thành lập chợ dân sinh để buôn bán hàng hóa. Hầu hết lượng rác thải của chợ đều được dồn xuống sông làm cho dòng sông đã bị ô nhiễm nay càng bị ô nhiễm trầm trọng hơn.
Bà Chu Thị Lạc - tổ dân phố 15, phường Cổ Nhuế 1, cho biết: “ Vào những ngày nắng nóng, sông Cầu Đá bốc một mùi hôi thối nồng nặc, chỉ cần đứng cạnh sông một lúc, sống mũi đã cảm thấy khó chịu. Đáng nói hơn, vào những hôm dở trời vừa nắng vừa mưa, con sông có rất nhiều ruồi muỗi, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cho người dân”.
Được biết, để ứng phó được với tình trạng mùi thối của sông Cầu Đá, hầu hết tất cả các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông đều lắp cửa kính, ngay cả ban ngày lẫn ban đêm, các ngôi nhà nơi đây đều trong tình trạng đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi xông thẳng vào bên trong nhà.
Mặc dù vậy, người dân sống gần dòng sông cũng không thể tránh khỏi cảnh sinh hoạt đời sống hàng ngày với dòng sông ô nhiễm này. Thực tế đã có rất nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp, mắt hay sốt xuất huyết…
“Mặc dù biết là sông thối, sông bẩn sẽ ảnh hường tới sức khỏe của bản thân cũng như gia đình, nhưng vì cuộc sống, gia đình tôi vẫn phải mở cửa để buốn bán hàng ăn, giải khát để kiếm sống từng ngày”, một người dân buôn bán có nhà ven sông Cầu Đá chia sẻ.
Trước thực trạng trên, người dân rất mong muốn các cấp chính quyền địa phương cũng như thành phố sẽ có những biện pháp cải tạo, đầu tư lại sông Cầu Đá giúp cho dòng sông được sạch đẹp hơn. Chỉ có như vậy, cuộc sống của những người dân sống hai bên bờ sông mới được an toàn và khỏe mạnh hơn.
Cừ Khôi