Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần tuyên truyền, nhân rộng gương điển hình vươn lên làm giàu

12/10/2018 13:05 (GMT+7)
Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí là 48.397 tỷ đồng để tập trung nguồn lực đầu tư chủ yếu cho các địa bàn nghèo thông qua 5 dự án khác nhau. Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo, nên kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, trong đó: Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 53%, tới nay tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017, giả

Tại Hà Nội, ngày 12/10, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa phối hợp Bộ Lao động TBXH tổ chức Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2019-2020. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động TBXH Đào Ngọc Dung, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, đã có nhiều địa phương, hộ gia đình có các giải pháp phù hợp, phát huy được thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực trong nhân dân, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo.

Ông Dung nhấn mạnh, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng đã tạo điều kiện thoát nghèo bền vững. Điển hình như huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn bằng nhiều giải pháp như cho vay vốn, xuất khẩu lao động, đẩy mạnh sản xuất nông – lâm nghiệp và du lịch, thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung đã cho giá trị kinh tế cao… hay huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng, huyện lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông – lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017 (giảm gần 40% so với 10 năm trước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao bằng khen cho các xã, huyện đặc biệt khó khăn thoát nghèo.

 

Tại Hội nghị, BTC đã tuyên dương 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới được cùng nhiều hộ gia đình, cá nhân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Chia sẻ cảm xúc về niềm vinh hạnh thoát nghèo cùng ý nghĩa của chương trình quốc gia giảm nghèo, anh Chẻo Văn Sơn phấn khởi cho biết, “Nhờ vào việc chuyển đổi cách làm, gia đình tôi khấm khá hơn nhiều, hiện nay con cái được đi học ổn định, nhà có cả máy xúc lẫn ô tô”. Gia đình anh Chẻo Văn Sơn sinh sống tại xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, Hà Giang, trước kia, gia đình chủ yếu sống dựa vào việc trồng ngô manh mún cho năng suất thấp, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thường xuyên không đủ ăn. Những năm gần đây, nhờ vào sự hỗ trợ vốn từ địa phương, anh Chẻo Văn Sơn đã chuyển đổi sang mô hình cây con, nuôi lợn, bò, cho thu nhập cao hơn hẳn.

Là dân tộc Mạ thuộc xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông gia đình chị H’Lan, cũng từng là hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Nhưng đến năm 2016, chị được giới thiệu tham gia Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ LĐTBXH phối hợp với UNDP tổ chức. Qua cuộc thi, nhờ được học hỏi kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các chuyên gia trong việc lựa chọn phương thức sản xuất, cùng với việc mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, hiện giờ thu nhập của gia đình chị đã lên đến gần 200 triệu đồng/năm và năm 2018 chị đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Chị H’ Lan chia sẻ, trước kia với dân tộc Mạ chúng tôi bị hạn chế trong suy nghĩ và tư tưởng nên vừa nghèo về vât chất và nghèo về tinh thần nên luẩn quẩn trong cái đói triền miên. Khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho học hỏi về kiến thức phát triển kinh tế cùng những thay đổi trong suy nghĩ dần dần đời sống được cải thiện. Đến tận năm 2002 tôi mới được ăn thịt, cá, trước đó toàn ăn cơm với muối trắng. Con trai đầu của tôi đang học ở Nhạc viện TP.HCM. Tôi muốn các con được học hành đầy đủ để thay đổi suy nghĩ và biết cách làm kinh tế…”.

Không chỉ các hộ gia đình, nhiều địa phương  khó khăn cũng đang từng bước thay đổi diện mạo. Ông Trần Anh Khoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết, trước năm 2014, xã có trên 20% hộ nghèo, đời sống người dân hết sức khó khăn, đặc biệt thiếu thốn các phương tiện đánh bắt hải sản. Từ nguồn vốn giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ khác, xã đã thực hiện nhiều phương thức nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế như chuyển đổi các loại ngư cụ đánh bắt, đầu tư thuyền mới. Đến nay, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,5%. Đời sống người dân thay đổi tích cực, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực, chủ động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng và Nhà nước đã đề ra, chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung giải pháp giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Các địa phương cần lấy các huyện, xã, hộ gia đình có mặt tại đây làm tấm gương điển hình để tuyên truyền nhân rộng việc vươn lên làm giàu, hỗ trợ các huyện, xã, hộ khác cùng thoát nghèo bền vững.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 8 huyện thoát nghèo, 38 xã  đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 và đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Bộ LĐTBXH tặng bằng khen cho 20 hộ gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo.

Đoàn Hoa

 

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.