Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam (KGVHST), nhằm kết nối các KGVHST Việt Nam và tạo ra những đối thoại xoay quanh vai trò của mạng lưới này trong việc phát triển nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Dự án được chính thức giới thiệu tại Việt Nam vào tháng 4/2018, với phần hỗ trợ ngân sách của Liên minh Châu Âu được Hội đồng Anh phối hợp với các chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2018-2021.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam hiện đang ở bước phát triển khởi đầu. Với dân số trẻ và sự mở rộng đô thị nhanh chóng, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là một thời điểm thích hợp để Nhà nước và khối DN tư nhân đang lớn mạnh ở Việt Nam tìm kiếm và đưa ra những đường hướng phát triển nền kinh tế sáng tạo,
“Tôi rất ấn tượng với các hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để khám phá những tài năng nghệ thuật và sáng tạo của Việt Nam cũng như hỗ trợ những đóng góp của họ vào sự phát triển của đất nước", Đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, không gian Văn hóa và Sáng tạo có tiềm năng trong việc tham gia và hỗ trợ các biểu đạt nghệ thuật cũng như các cơ hội tiếp cận với đời sống văn hóa. Một không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) là một địa điểm, có thật hay trực tuyến, có sứ mệnh giúp những nghệ sỹ và người thực hành cùng hợp tác làm việc, tổ chức những chương trình, hoạt động về văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo đến với công chúng. Tại Việt Nam, phần lớn các KGVHST đều hoạt động độc lập, thường được các nghệ sỹ hoặc người thực hành nghệ thuật và sáng tạo dẫn dắt và quản lý.
Theo các chuyên gia phân tích và đưa ra quan điểm, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự bùng nổ của thành phần dân số trẻ. Đi cùng với thực tế này là một nền kinh tế sáng tạo bắt đầu phát triển từ những khu vực đô thị hóa nhất của cả nước như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Các đại biểu cũng đánh giá cao Chiến lược Quốc gia về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã mở ra một triển vọng đầy hứng khởi để phát triển và tăng trưởng cho nền công nghiêp văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. Các không gian văn hóa và sáng tạo – các tổ chức và doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật – là những yếu tố chủ chốt trong nền công nghiệp này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm về vai trò của các không gian văn hóa sáng tạo, các tổ chức và DN trong việc phát triển nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Vấn đề liệu Việt Nam có thể áp dụng kinh nghiệm của những nước phát triển hơn, hay điều kiện nào là tốt nhất để có thể hỗ trợ họ trên con đường đóng góp vào nền công nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong kỉ nguyên công nghiệp 4.0 cũng được đưa ra thảo luận.
Theo Đại sứ Bruno Angelet, vào năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa mới nổi thông qua việc phê chuẩn Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. “Tuy nhiên, đối với kế hoạch phát triển đô thị, tôi cho rằng, Việt Nam cũng nên tập trung vào việc phát triển các không gian văn hóa sáng tạo bên trong các TP. Thông qua đó, giúp người dân có đủ không gian và tự do để sáng tạo cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam”, Đại sứ EU tại Việt Nam chia sẻ.
Hoàng Anh