TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch phát biểu tại hội thảo
Du lịch ở nước ta đã được Đảng, Nhà nước ngày càng quan tâm và đánh giá cao nhờ những đóng góp quan trọng của ngành du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội thể hiện ở thu nhập, việc làm cho đông đảo tầng lớp cư dân, góp phần giảm nghèo, tăng cường giao lưu, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Quá trình phát triển du lịch đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, còn nhiều rào cản, khó khăn và hạn chế dẫn đến hiệu quả từ ngành này chưa cao, nguy cơ tiềm ẩn vẫn tồn tại, đặc biệt chưa tạo được khả năng cạnh tranh mạnh trong khu vực và quốc tế.
Đứng trước xu hướng phát triển toàn cầu và trong nước, phát triển du lịch chính là hướng đi đúng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Từ thực trạng phát triển du lịch Việt Nam, trước những xu hướng và yếu tố tác động hiện nay, đặt ra những yêu cầu phải có những định hướng, giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường sự đóng góp của du lịch đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra.
Hội thảo Du lịch với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam tập trung vào hai vấn đề trọng tâm của ngành du lịch hiện nay: Một là, đánh giá vai trò của du lịch trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam và Thế giới. Hai là, đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển du lịch nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương thắng thắn cho rằng vẫn chỉ người Việt Nam sử dụng tài nguyên du lịch Việt Nam. Theo GS Võ Đại Lược, chúng ta có rất nhiều tài nguyên du lịch, trong số đó có không ít tài nguyên được công nhận là di sản hàng đầu thế giới như Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng…nhưng lại chưa khai thác và tận dụng được thế mạnh này. Du lịch của chúng ta vẫn chưa phát triển được, chủ yếu vẫn người Việt Nam sử dụng là chính, khách quốc tế, đặc biệt là khách chất lượng cao chưa đáng kể. "Tài nguyên du lịch của chúng ta mang tầm thế giới thì phải làm sao để thế giới sử dụng. Chứ như hiện nay, du lịch của chúng ta chỉ mới đóng góp được khoảng 7,9 % vào GDP thì chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, chúng ta có thể đóng góp nhiều hơn thế, gấp 2, 3 lần như vậy", GS Võ Đại Lược nói.
GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương
Để phát triển ngành du lịch Việt Nam, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước như Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra, GS Võ Đại Lược đã đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là, cần thiết phải thuê một tập đoàn hàng đầu thế giới về du lịch để họ giúp chúng ta quy hoạch và sử dụng triệt để các tiềm năng sẵn có, trong đó lợi thế nhất là du lịch biển. Cần phải có một quy hoạch tổng thế và thống nhất chứ cứ manh mún, tự phát như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển và không cạnh tranh được với các thị trường trong khu vực cũng như thế giới. GS Võ Đại Lược cũng chỉ ra rằng, đằng sau tập đoàn quy hoạch hàng đầu thế giới ấy sẽ là các nhà đầu tư, là khách du lịch quốc tế đầy tiềm năng cho thị trường của chúng ta. Du lịch Việt Nam muốn phát triển được cũng rất cần phải thu hút FDI đầu tư vào.
Thứ hai là, chính sách về phát triển du lịch. Hiện nay, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm tới du lịch, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách đã đủ để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay chưa? GS Võ Đại Lược lấy ví dụ về chính sách Visa của chúng ta hiện nay làm ví dụ. Rõ ràng chúng ta vẫn chưa mở cửa, chưa tạo điều kiện cho sự phát triển và thu hút khách du lịch. "Hiện nay chúng ta mới chỉ miễn Visa cho hai mấy quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi an ninh của chúng ta đang quá tuyệt vời, tại sao không mở rộng việc miễn Visa", GS Võ Đại Lược đặt câu hỏi.
Chính sách về phát triển du lịch đã có, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã quan tâm tới ngành du lịch, mặc dù vậy, nhưng đầu tư cho du lịch cũng chưa thực sự thích đáng và xứng tầm. Không đầu tư cho du lịch thì không thể phát triển được, nhưng đã đầu tư thì phải đầu tư thực sự, đầu tư có hiệu quả, chứ đầu tư dàn trải, không trọng tâm thì sẽ không mang lại hiệu quả. Về điều này, GS Võ Đại Lược cũng lưu ý ngành du lịch cần phải rà soát lại để xem mình cần gì và thiếu gì. Chứ nếu bản thân ngành cũng không biết mình thực sự cần gì thì rõ ràng việc đầu tư sẽ lãng phí và không mang lại hiệu quả như mong muốn, không góp phần đưa ngành du lịch phát triển.
Thứ ba là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. GS Võ Đại Lượng phân tích, hiện nay nguồn nhân lực cho du lịch của chúng ta đang còn rất yếu, yếu từ hướng dẫn viên cho đến người quản lý, điều hành…" . Muốn du lịch trở thành ngành mũi nhọn, chiếm vài trăm % trong GDP thì cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho du lịch. Đây là yêu cầu bức thiết và cần phải làm ngay".
Khải Phong