Hà Nội: Không dễ chặn hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ

05/08/2017 (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm song tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố, diễn biến phức tạp.

Hà Nội: Không dễ  chặn hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm song tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố, diễn biến phức tạp.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, HĐND - UBND TP. Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, BCĐ 389 quận, huyện, thị xã chủ động thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường; làm tốt công tác dự báo, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra các hành vi vi phạm xuất xứ, giả mạo hàng Việt Nam, hàng hoá quá hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng, các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác; phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu đối với nguồn phát sinh hàng giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ; xây dựng phương án đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý tại một số địa bàn trọng điểm, các kho tàng, bến bãi có nguy cơ xảy ra vi phạm về hàng giả, vi phạm SHTT như chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), ga Hà Nội (quận Đống Đa), sân bay quốc tế Nội Bài (huyện Sóc Sơn) và một số làng nghề sản xuất giày dép tại Phú Xuyên, Thường Tín,...

Các lực lượng chức năng đã thực hiện tốt công tác điều tra, đấu tranh chống hàng giả, vi phạm SHTT; khám phá nhiều vụ việc lớn, khởi tố kịp thời, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Nhiều sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai tại các cửa hàng. Ảnh: T.Hằng

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra: 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ. Thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 1.569 tỷ 577 triệu đồng.

Riêng trong lĩnh vực đấu tranh chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm SHTT: đã xử lý 892 vụ, phạt hành chính: 6 tỷ 896 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm: 7 tỷ 535 triệu đồng. Khởi tố 15 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả với 15 đối tượng.

Theo BCĐ 389 TP. Hà Nội, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do: Hoạt động quản lý, kiểm tra đạt hiệu quả chưa cao do hoạt động thiếu đồng bộ, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Thông tin và dự báo chuyên sâu về các vấn đề hàng giả, hàng vi phạm SHTT còn yếu và thiếu cả về đầu mối và chất lượng thông tin; cập nhật thông tin về việc đã xác lập quyền, về hàng xâm hại, hàng giả mạo xuất xứ,… Trình độ chuyên môn của một số cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện kiểm tra, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của việc thực thi pháp luật trong thời kỳ mới.

Luật pháp còn nhiều kẽ hở đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lách luật để làm hàng giả, hàng vi phạm SHTT. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu.

Trong công tác giám định về SHTT: Theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp quy định: Kết luận giám định vi phạm SHCN của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ chỉ là tài liệu tham khảo để cơ quan thực thi xác định hành vi vi phạm; Cơ quan thực thi phải chịu trách nhiệm về kết luận hành vi vi phạm của mình nên ảnh hưởng rất nhiều đến công tác xử lý.

Tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NNd-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định khái niệm hàng giả: Hàng hóa có ít nhất một trong những chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức 70% trở xuống...” nhưng hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích rõ thế nào là đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị, công dụng của hàng hóa làm cơ sở các cơ quan chức năng xác định hàng giả.

Hiệu quả công tác chống hàng giả, vi phạm SHTT phụ thuộc rất lớn từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nền sản xuất Việt nam còn chưa đủ mạnh, phần đông doanh nghiệp còn có quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp có thương hiệu lớn ít. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống hàng giả, nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp không quan tâm đến chống hàng giả, thậm chí có doanh nghiệp còn che giấu thông tin về các sản phẩm làm giả vì sự ảnh hưởng uy tín của mình, gây khó khăn cho điều tra, xử lý. Việc phối hợp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu, chủ thể quyền đối với cơ quan chức năng còn chưa được thường xuyên.

Người tiêu dùng chưa được trang bị kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm do chưa nắm vững luật pháp. Hơn nữa, việc phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm giả ngày càng tinh vi, giống hàng thật đến từng chi tiết. Đặc biệt, một số  người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ và phù hợp với tài chính vẫn chấp nhận.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi. Trước đây, hàng giả thường tập trung vào những loại hàng hóa có giá trị cao, chất lượng có uy tín trên thị trường, hàng do nước ngoài sản xuất thì hiện nay hàng giả là những mặt hàng tiêu dùng, giả mạo về thông tin ghi trên bao bì, nhãn hàng hóa như: giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác, giả mạo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, lợi dụng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn đặt hàng từ Trung Quốc giả làm hàng trong nước sản xuất để kinh doanh thu lợi bất chính. VD: bánh kẹo đặt làm từ Trung Quốc nhưng ghi sản xuất tại Hoài Đức, Hà Nội; bóng đèn sản xuất tại Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông của Việt Nam; Quần áo sản xuất tại Trung Quốc mang nhãn mác của Hanosimex,…

Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc này, trong thời gian tới, BCĐ 389 thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền ký cam kết không sản xuất, kinh doanh, buôn bán và tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm SHTT trong cộng đồng thường nhân và người tiêu dùng; góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là các nội dung về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền phải đa dạng, sinh động, thông qua các hình thức, phương pháp truyền tải thích hợp, sử dụng nhiều công cụ thông tin, cách thức truyền tải khác nhau sao cho đảm bảo diện phủ sóng của thông tin.

Đồng thời, thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đấu tranh phòng, chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, từ đó rút ra những thiếu sót để xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm SHTT (Tổng hợp, đánh giá được các nhãn hiệu hàng hóa đang bị xâm phạm, các loại mặt hàng của các doanh nghiệp đang xâm phạm, ...) để chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, tránh việc kiểm tra, xử lý cắt khúc, không triệt để. Xây dựng dữ liệu về  hàng giả dựa trên các tiêu chí sau: Thông tin về hàng giả: Cơ sở thông tin về hàng giả phải được xây dựng trên hệ thống máy tính và cấp nhật một cách thường xuyên, liên tuc để tiện tra cứu: Mẫu vật về hàng giả: mẫu vật phải được sư tầm mang tính đại diện và phù hợp với thực tế thị trường

Các quy định pháp luật về hàng giả: Các văn bản pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả phải được cấp nhật thường xuyên và đảm bảo tính hiêu lực của văn bản.

 Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh. Qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra.

Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, điều tra trinh sát về các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả; đi đôi với việc tạo dựng và không ngừng nhân mối các cơ sở cung cấp thông tin. Nắm bắt kịp thời hoạt động của các đối tượng vi phạm để làm căn cứ đưa ra các biện pháp, giải pháp thích hợp, hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đối với những vụ việc mới, vụ việc chưa từng xử lý cần thận trọng trong quá trình kiểm tra, xử lý, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra khiếu kiện.

Xây dựng mối quan hệ và liên hệ thường xuyên với các lực lượng chức năng trong thành phố và trên cả nước để cập nhật thông tin về hàng giả, học hỏi kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ. Từ đó triển khai cho toàn lực lượng tổ chức điều tra, trinh sát, kiểm tra và xử lý vi phạm.

 Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt khi gặp phải những vụ việc lớn, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia là đầu mối tiếp nhận thông tin để chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Theo T.Hằng (bcd389)
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.