Bám sát quy luật cung - cầu của thị trường để đạt hiệu quả tối ưu cho nhà sản xuất và đơn vị sử dụng than

21/08/2018 (GMT+7)
Tình hình sản xuất và tiêu thụ than trong những năm gần đây gặp nhiều biến động, có lúc nhu cầu giảm như giai đoạn 2012-2017 khiến tồn kho lớn; có lúc lại tăng cao như hiện nay. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Biên – Phó Tổng biên tập Tạp chí Công nghiệp Mỏ (Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam), người có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu thị trường than - xung quanh vấn đề điều hành sản xuất và tiêu thụ than theo hướng nào để đạt hiệu quả.

Ông có thể cho biết, hướng điều hành thị trường than thế nào là phù hợp với tình hình hiện nay?

Ngành sản xuất nào cũng phải có quy hoạch, kế hoạch. Cái khác kế hoạch tập trung theo kiểu thời bao cấp là kế hoạch được phân bổ, giao chỉ tiêu pháp lệnh từ trên xuống, còn hiện nay thì kế hoạch phải được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thị trường, chủ yếu từ dưới lên và được điều chỉnh, phản ứng kịp thời theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, phải khẳng định rằng, ngành Than cũng phải điều hành theo cơ chế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, việc điều hành thị trường than cần lưu ý đặc điểm sau:

Thứ nhất, than cũng như các hàng hóa khác phải bám sát theo quy luật CUNG - CẦU của thị trường. Mục tiêu làm sao đạt hiệu quả tối ưu cho cả nhà sản xuất than và đơn vị sử dụng than. Muốn vậy thì phải làm thế nào để CUNG phải sát với CẦU. Quy luật CUNG - CẦU được thể hiện qua đồ thị sau:


Điểm M với sản lượng Qo và giá Po khi CUNG, CẦU gặp nhau sẽ thỏa mãn được lợi ích cả hai bên mua và bán. Khi nhu CẦU tăng qua điểm M thì giá tăng và tạo điều kiện cho đường CUNG được đẩy lên và ngược lại khi CẦU giảm thì giá giảm và đường CUNG sẽ phải hạ xuống.

Tự thân thị trường vận động thì với bàn tay vô hình của thị trường, nó vẫn tuân thủ theo quy luật chung ở trên, nhưng có thể phải trải qua nhiều giai đoạn hoàn thiện thăng trầm, tuy nhiên với sự định hướng, điều hành CUNG-CẦU một cách hợp lý, tuân thủ quy luật thì có nhiều hàng hóa sẽ thuận lợi và nó sẽ mang lại hiệu quả hơn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Chính vì vậy nhà nước đã và đang có các chính sách nhằm thúc đẩy thị trường chung trong đó có thị trường than.

Thứ hai, than là nguồn năng lượng sơ cấp, là đầu vào với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài của nhiều ngành sản xuất như điện, vật liệu xây dựng, hóa chất... Đặc biệt, than có vai trò quan trọng trong cân đối năng lượng quốc gia (tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện hiện nay bình quân của thế giới là gần 40%, Việt Nam chiếm tỷ lệ tương ứng 42,7%, 49,3% và 42,6% vào các năm 2020, 2025 và 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Kinh nghiệm các nước cho thấy, để giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động, cần có cơ chế đảm bảo nguồn than bán cho điện ổn định, lâu dài. Ví dụ như Nhật Bản, để có nguồn than cung cấp ổn định cho sản xuất, họ đã ký hợp đồng mua than dài hạn với các nước sản xuất than và hỗ trợ cho các nước trong công tác thăm dò, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ khai thác, chế biến than…; đồng thời nhà nước có chính sách ngoại giao năng lượng phù hợp và đầu tư khai thác mỏ than ở nước ngoài.

Theo ông, cơ chế điều hành thị trường than trong ngành năng lượng cần diễn biến ra sao?

- Yêu cầu bắt buộc khi xây dựng các nhà máy điện trong nước cũng như nhiều nơi khác trên thế giới là phải có cam kết cung cấp nguồn nhiên liệu đầu vào cho nhà máy hoạt động. Cơ chế thích hợp nhất là các nhà sử dụng than, chủ đầu tư nhà máy điện chủ động ký hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất, cung ứng than trước khi xây dựng nhà máy và phối hợp đề xuất cơ chế chính sách để các đơn vị này sản xuất ổn định hiệu quả, ổn định nguồn cung. Việc xác định quy mô CUNG - CẦU hàng năm than do đơn vị sản xuất và sử dụng than thực hiện có thẩm định của cơ quan quản lý thị trường kinh tế vĩ mô (Bộ Công Thương...) và thông báo hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện như một chỉ tiêu cân đối vĩ mô của nền kinh tế - chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Như vậy, việc cân đối đảm bảo đủ nguồn than cho các nhà máy sản xuất điện là trách nhiệm của các chủ đầu tư nhà máy điện, còn các đơn vị sản xuất than có trách nhiệm trong phạm vi hợp đồng cung ứng than dài hạn đã được ký. Mọi quan hệ giữa đơn vị sử dụng than và đơn vị sản xuất than được xử lý thông qua cơ chế của hợp đồng kinh tế, theo cơ chế thị trường.

Việc điều hành thị trường than cần bám sát theo quy luật CUNG-CẦU

Một hợp đồng cung ứng than dài hạn cần phải thỏa thuận các nội dung gì là quan trọng, thưa ông?

Trước tiên là khối lượng, chất lượng, giá cả, thời gian và phạm vi hợp đồng, quy định việc giao hàng, quyền sở hữu và rủi ro, giám định, chuyển nhượng hợp đồng, cơ chế giải quyết tranh chấp, bất khả kháng, cơ chế điều hành thực hiện hợp đồng và những thỏa thuận khác đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên.

Để có khối lượng và chất lượng than đúng theo hợp đồng, các bên cần thỏa thuận rõ nguồn than, mô tả rõ mỏ than được sản xuất, trữ lượng được cấp. Muốn vậy, các mỏ than phải được cấp phép thăm dò, khai thác đầy đủ trước khi ký hợp đồng mua bán, nếu chưa được cấp phép thì không có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán than. Trong hợp đồng cũng cần ghi rõ tiến độ đầu tư và đưa các công trình vào vận hành để cung cấp đủ than cho nhà máy điện. Tức là các thủ tục đầu tư mỏ và các công trình phục vụ cho việc cấp than phải được xác định rõ từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch, nguồn vốn,... cũng như các yêu cầu, cam kết của các cơ quan liên quan từ các bộ tới các địa phương nơi mỏ than được xây dựng như tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án…, đảm bảo công trình vào đúng tiến độ.

Thực tế hiện nay, việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác, đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư còn rất chậm và nhiều bất cập. Nếu không được giải quyết sớm sẽ dễ dẫn tới nguy cơ thiếu than và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Còn về cơ chế giá các bên cần thỏa thuận cụ thể các nguyên tắc chung, công thức tính giá và cơ chế điều chỉnh giá theo thị trường, chủng loại, chất lượng than… Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất than và đơn vị sử dụng than cần phối hợp đề xuất nhà nước các cơ chế chính sách (thuế, phí, giá cả...), nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo lợi ích các bên theo cơ chế thị trường.

Ông có thể nói cụ thể hơn về tỷ lệ ký hợp đồng dài hạn, ngắn hạn ?

Việc này cần được nghiên cứu kỹ, phụ thuộc vào cơ chế điều hành kinh tế vĩ mô và quan trọng nhất là thỏa thuận giữa người mua và người bán. Để trao đổi có thể nêu Ví dụ theo mô hình như sau đối với than Anthraxit:

- Trường hợp than Anthraxit sản xuất trong nước (tính nhu cầu theo chủng loại than) khi CUNG = CẦU thì tỷ lệ cấp theo Hợp đồng (HĐ) dài hạn có thể là 90% CẦU, còn lại 10% đơn vị sử dụng được mua lẻ theo giá thị trường. Tỷ lệ dao động 10% nhằm tạo điều kiện cho bên mua và bên bán được tự do lựa chọn mức sản lượng, giá cả theo nhu cầu hai bên.

Giá mua theo HĐ dài hạn P: Z + LN định mức (6-8%) < Giá mua HĐ dài hạn P = Po < 97% Giá theo chỉ số NEWCASTLE Úc CIF cảng Việt Nam. Mức giảm giá 3% do các bên thỏa thuận khi mua với khối lượng lớn, ổn định, dài hạn. Giá hàng năm do hai bên thống nhất trong khung trên.

- Trường hợp than Anthraxit sản xuất trong nước CUNG > CẦU thì tỷ lệ cấp ổn định là 80% CẦU, còn lại 20% đơn vị sử dụng được mua lẻ theo giá thị trường (tỷ lệ để đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn hệ thống theo quy luật 80/20).

Giá mua theo HĐ dài hạn P = Po - Dp > Z + LN định mức (2-3%) (Z là giá thành than đã thực hiện tiết giảm chi phí và có sự thẩm định của cơ quan nhà nước: Được kiểm toán hoặc thẩm định của Liên bộ Tài chính, Công Thương).

Tỷ lệ đảm bảo 80% sản lượng và giá bán bù đắp giá thành nhằm tạo điều kiện cho bên bán duy trì sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn chuẩn bị cho tăng sản lượng về sau - một đặc thù đảm bảo an ninh năng lượng.

- Trường hợp than Anthraxit sản xuất trong nước CUNG < CẦU thì: Tỷ lệ cấp ổn định bằng 90% CUNG, còn lại đơn vị sử dụng chủ động ký HĐ mua ngắn hạn. Tỷ lệ 10% nhằm đảm bảo cho bên bán chủ động điều hành sản xuất và dự phòng những yếu tố bất bình hành trong ngành khai thác mỏ.

Giá mua theo HĐ dài hạn P: Z + LN định mức (10%) < Giá mua HĐ dài hạn P = Po + Dp < 97-100% Giá theo chỉ số NEWCASTLE Úc CIF cảng Việt Nam.

Như vậy, việc xác định nhu cầu và giá cả là các yếu tố quan trọng của thị trường than?

Đúng vậy, có ba yếu tố chính trong đồ thị trên của thị trường là CUNG, CẦU và GIÁ. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như kênh phân phối, tiếp thị, chính sách bán hàng, điều hành cân đối CUNG - CẦU,...

Việc xác định quy mô CUNG - CẦU do đơn vị sản xuất và sử dụng than thực hiện có thẩm định của cơ quan quản lý thị trường kinh tế vĩ mô (Bộ Công Thương...) và thông báo cho các đơn vị thực hiện như một chỉ tiêu cân đối vĩ mô của nền kinh tế, chỉ tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Như vậy việc xác định đúng mức CUNG và CẦU có vai trò quyết định đến hình thành cơ chế điều hành thị trường than. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển các ngành, trong đó có ngành khai thác, sản xuất than và các ngành sử dụng than. Tuy nhiên, do có nhiều biến động trên thị trường và điều kiện đặc thù của ngành khai thác mỏ có nhiều yếu tố không lường trước được trong lòng đất cho nên việc cập nhật tình hình thực tế về năng lực sản xuất và nhu cầu của các hộ sử dụng than là hết sức quan trọng để xác định rõ CUNG - CẦU từng giai đoạn, từ đó có chính sách điều chỉnh, điều hành cho phù hợp.

Còn về giá cả cả? Như đã nêu ở ví dụ trên là theo cơ chế thị trường, nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng thì tối thiểu phải đảm bảo cho sản xuất bù đắp chi phí và có lãi để đầu tư phát triển.

Vậy trong điều kiện cân đối CUNG - CẦU có biến động, biện pháp điều hành sản xuất theo hướng nào cho phù hợp?

- Từ thực tế ngành Than và kinh nghiệm của nhiều tập đoàn khai thác mỏ trên thế giới có thể xem xét một số biện pháp sau:

Một là, khi CUNG > CẦU thì xem xét áp dụng: Giảm sản lượng sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất và đầu tư; điều chỉnh ưu tiên giảm sản lượng những mỏ có giá thành cao; cấp phép giới hạn nhập khẩu than với khối lượng < 20% cầu cho các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh than.

Hai là, khi CUNG < CẦU, cần: Đẩy mạnh thăm dò xác minh, nâng cấp trữ lượng; tăng năng suất, công suất các mỏ hiện có bằng áp dụng công nghệ mới, sắp xếp lại các đơn vị sản xuất, phát huy tổ chức sản xuất, công nghệ theo vùng, theo nhóm đơn vị để phát huy lợi thế chung. Mỗi vùng đều có lãnh đạo (ví dụ một phó tổng giám đốc) cấp trên điều hành, phụ trách trực tiếp và được giao nhiệm vụ cụ thể để tăng sản lượng tối ưu từng vùng. Áp dụng các đòn bẩy kinh tế, giao chỉ tiêu sản xuất theo vùng và từng đơn vị; xây dựng các mỏ mới hiện đại công suất cao; cấp phép nhập khẩu than phù hợp với sự thiếu hụt cung cho các đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh than (nên giới hạn chỉ cho phép các đơn vị trực tiếp sử dụng than, đơn vị có năng lực về tài chính và có công nghệ chế biến, cơ sở hạ tầng kho bãi, bến cảng, logicstic... đảm bảo môi trường và các quy định của nhà nước); trường hợp cân đối nguồn than Anthraxit sản xuất trong nước và nhập khẩu đã ở mức tối đa mà vẫn thiếu thì một số nước đã nghiên cứu chuyển đổi công nghệ một số nhà máy sang đốt than nhiệt để giảm cầu than Anthraxit.

Xin cảm ơn ông!

 Theo Công Thương

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Sản xuất
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.