Hiện, bưởi tươi Việt Nam đã được XK sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng XK hơn 3.000 tấn. Riêng tại thị trường Mỹ, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép NK vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở Houston (Mỹ), trong năm 2021, Mỹ đã NK trị giá trên 20,5 tỷ USD nhóm hàng mã HS.08, bao gồm các mặt hàng có mã HS 080540 (gồm trái cây ăn được). Trong đó, trị giá XK nhóm hàng mã HS.08 của Việt Nam vào thị trường Mỹ chỉ đạt 1,12 tỷ USD. Nửa đầu năm 2022, kim ngạch XK nhóm hàng mã HS.08 của Việt Nam vào Mỹ cũng mới đạt khoảng 572 triệu USD. Mỹ là thị trường NK hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam XK sang Mỹ mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch NK nhóm hàng mã HS.08 của Mỹ.
“Xét về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng như thế mạnh về nông sản, hoa quả Việt Nam, có thể khẳng định thị phần nhóm sản phẩm quả (bao gồm bưởi) XK sang Mỹ chưa tương xứng với tiềm năng”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nói.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Mỹ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn, trong khi sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải NK. Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ.
Từ góc độ DN, ông Vương Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Long An) chia sẻ: qua khảo sát các nhà NK tại Mỹ, bưởi Việt đang rất được mong chờ, đặc biệt là cộng đồng người châu Á tại Mỹ. Dù Mỹ có nhiều nguồn cung cấp bưởi từ Mexico hay nội địa nhưng hương vị bưởi Việt, đặc biệt là bưởi da xanh có nhiều lợi thế cạnh tranh. “Kỳ vọng với mặt hàng mới là bưởi sẽ thúc đẩy sản lượng trái cây tươi XK sang Mỹ trong thời gian tới”, ông Hiếu nói.
Xuất lô đầu tiên vào tháng 11/2022
Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy: hiện cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Cụ thể, Đồng bằng sông Hồng có hơn 13.000 ha với sản lượng trên 175.000 tấn; vùng Trung du miền núi phía Bắc có hơn 30.000 ha với sản lượng 253.000 tấn; riêng ĐBSCL có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn...
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T (DN XK trái cây lớn sang Mỹ), dự báo so với các loại quả của Việt Nam đã được thị trường Mỹ mở cửa trước đó, trái bưởi sẽ mang lại giá trị XK lớn nhất. Vị này phân tích: “Vùng trồng bưởi Việt Nam không chỉ có diện tích lớn mà còn tập trung nên dễ áp dụng quy trình canh tác mà Mỹ yêu cầu, hàng hóa có thể có quanh năm. Bên cạnh đó, bưởi là loại quả để được lâu, khi để lâu ăn càng ngon nên rất thuận lợi, giúp DN XK bằng đường biển với chi phí thấp, thời gian bán hàng dài".
Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thị trường Mỹ có tiêu chuẩn rõ ràng nên người trồng dễ thực hiện cũng là yếu tố thuận lợi để thúc đẩy XK bưởi sang Mỹ thời gian tới. Dù nhiều nước trồng được bưởi nhưng nông dân Việt Nam có thể tự tin hàng Việt Nam có chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh quốc tế cao nhờ vùng nguyên liệu tập trung, dễ kiểm soát.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền khuyến cáo: để quả bưởi Việt Nam vào thị trường Mỹ, DN phải đặc biệt lưu ý các hướng dẫn (trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, chất lượng và các vấn đề liên quan) của Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Trong đó, FDA đóng vai trò giám sát và đánh giá chất lượng thực phẩm, dược phẩm có phù hợp với tiêu chí NK vào Mỹ hay không. “Tiếp cận hướng dẫn từ 2 cơ quan này là việc trước tiên DN Việt Nam phải làm khi XK bưởi sang Mỹ”, ông Quyền nhấn mạnh.
Tuấn Tú tổng hợp