Ngày 20/01/2022, ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định số 40/QĐ-SYT để phê duyệt cho Công ty TNHH Thương Mại Thiết Bị Y khoa Nguyễn Tùng trúng “Gói thầu số 13: Mua sắm TB2 (Máy CT Scanner, Máy đo loãng xương, Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim) thuộc dự án cải tạo, sửa chữa, mua sắm mới thiết bị Trung tâm y tế TP. Phú Quốc” trị giá 14.826.000.000 đồng.
Trước đó, gói thầu này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Phú Quốc (do ông Võ Hoài Khoa làm Giám đốc) mời thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu. Còn báo cáo đánh giá E-HSĐXTC; đề nghị thương thảo, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu do Công ty CP tư vấn đầu tư TSG chịu trách nhiệm.
Theo thông tin tại Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, gói thầu gồm có: 1 máy CT Scanner (Model: TSX-037A (AQUILION START)/CANON/NHẬT) có giá trúng 10.380.000.000 đồng; Máy đo loãng xương (Model: MEDIX DR/MEDILINK/PHÁP) có giá trúng 1.750.000.000 đồng; Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim (Model: CUS – X200G (XARIO 200G)/CANON/NHẬT) có giá trúng: 2.696.000.000 đồng.
Điều bất thường ở gói thầu này là, mặc dù có giá trị lớn và dưới hình thức “đấu thầu rộng rãi” nhưng không hiểu lý do vì sao trong danh sách nhà thầu tham gia được Sở Y tế phê duyệt lại chỉ có “mỗi mình” Công ty Nguyễn Tùng (?!) Mặc dù, đấu thầu rộng rãi, công khai nhưng tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước lại rất thấp = 1%.
Không chỉ vậy, thiết bị tại gói thầu mà Công ty Nguyễn Tùng bán cho Kiên Giang lại có giá cao hơn so với nhiều địa phương khác. Ví dụ, máy CT Scanner (Model: TSX-037A (AQUILION START)/CANON/NHẬT) nếu Sở Y tế Kiên Giang phải mua với giá là 10.380.000.000 đồng thì vào ngày 02/11/2021, Bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) lại chỉ mua đúng thiết bị (có trùng model, xuất xứ, nguồn gốc) với giá là 7.198.000.000 đồng.
Hay như, Máy siêu âm màu có đầu dò chuyên tim (Model: CUS – X200G (XARIO 200G)/CANON/NHẬT), Sở Y tế Kiên Giang phải mua với giá là 2.696.000.000 đồng thì vào ngày 09/9/2021, Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) chỉ phải mua với giá 1.485.000.000 đồng;
Mặc dù có việc chênh lệch về giá ở gói thầu mua sắm thiết bị cho Trung tâm y tế TP. Phú Quốc nhưng chưa thể khẳng định việc thổi giá/đẩy giá nhằm trục lợi ở đây. Bởi vì, giá thiết bị y tế cao (chênh) hơn nơi khác nhiều khi nhà thầu (hoặc bên mời thầu) sẽ nêu lý do như: có thêm linh phụ kiện đi kèm, thêm phần mềm bên trong, thêm thời gian bảo hành, bảo trì, đào tạo, truyền thông... nên làm tăng giá thành đầu vào thiết bị.
Tuy nhiên, theo Nghị định 98/2021 của Chính phủ quy định về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực từ 01/1/2022 thì các chủ sở hữu trang thiết bị y tế (gồm tổ chức, cá nhân cung cấp trang thiết bị y tế bằng tên riêng của mình hoặc bằng bất kỳ nhãn hiệu, thiết kế, tên thương mại...) phải kê khai và công khai giá. Nội dung kê khai gồm giá vốn nhập khẩu đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu, hoặc chi phí sản xuất đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước; lợi nhuận dự kiến; giá bán tối đa tương ứng với từng cấu hình, tính năng kỹ thuật theo đơn vị tính; giá linh kiện, phụ kiện (nếu có); chi phí bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì, đào tạo... Do đó, nếu thực hiện đúng theo Nghị định này thì doanh nghiệp khó có thể “lách luật” để kê vống, thổi giá nhằm trục lợi, chia chác được.
Công ty Nguyễn Tùng hoạt động từ năm 2000, có địa chỉ đăng ký tại: số 56/46 Nguyễn Thượng Hiền, Phường 1, quận Gò Vấp (TP.HCM). Hiện người có tên là Nguyễn Thanh Tùng đang chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp.
Trước khi Sở Y tế phê duyệt gói thầu trên, vào ngày 05/1/2022, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã triển khai Quyết định số 246 thanh tra về việc xã hội hoá, liên doanh, liên kết các dịch vụ y tế; mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc; sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh.
Theo đó, trong thời gian 45 ngày (tính từ 5/1/2022), đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra các cơ sở khám, chữa bệnh đối với Sở Y tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang; các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Kiên Giang gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản nhi, Bệnh viện Tâm thần; các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc mua sắm, cung ứng, tài trợ…
Đối với nội dung xã hội hoá, liên doanh, liên kết các dịch vụ y tế, đoàn sẽ thanh tra giai đoạn từ năm 2019 - 2021. Đối với các nội dung mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc; sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh, thanh tra từ năm 2020 - 2021.
Huyền My
Khẩn trương thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến về việc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.
Đồng thời, đôn đốc Thanh tra các Bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2022.
|
Vạch trần 'sân sau' trong đấu thầu thiết bị y tế, giáo dục
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Tiền Phong, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an đã 'vạch mặt' những mánh khóe, sai phạm trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, giáo dục... cụ thể như:
Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn, còn làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước.
|