Nón làng chuông ngỡ ngàng làng nghề Việt.

12/08/2020 9:10 (GMT+7)
Không chỉ nức tiếng với nghề làm nón suốt hơn 3 thế kỷ, làng Chuông (huyện Thanh Oai, Hà Nội), đang lưu giữ nét độc đáo của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc trong từng chiếc nón lá với vẻ đẹp thanh bình với hình ảnh những chiếc nón lá chao nghiêng trong gió.

Làng Chuông thuộc xã Phương Trung, Thanh Oai tỉnh Hà Tây cũ nay về với thành phố Hà Nội, là làng nghề nổi tiếng với truyền thống làm nón lâu đời. Đã hơn 300 năm nổi tiếng với làng nghề. Nơi mà mỗi du khách khi đến đây đều mong muốn sở hữu chiếc nón lá xinh xắn, bền đẹp về làm quà. Làng Chuông còn giữ được nét đặc trưng của một làng cổ, chiếc cầu đá bắc qua con lạch rồi mới tới cổng làng. Chợ họp ngay gần cổng làng. Chợ vẫn là cái chợ ngày xưa xây cột vuông rộng dài bốn năm gian, mái lợp ngói mũi hài. Có những cây đa cổ thụ thả râu đung đưa như chiếc mành sợi treo mỏng thoáng. Chợ làng Chuông mỗi tháng họp sáu phiên vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. Có sáu phiên một tháng và 72 phiên chợ trong một năm. Đặc biệt, có rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam bỗng nhận ra, hình ảnh chiếc nón lá không chỉ là một thứ đội đầu che nắng che mưa nơi vùng nhiệt đới, mà còn là biểu tượng cho sự dịu dàng của người con gái Việt. 

Nữ nhà báo, nhà thơ Pháp Madeleine Riffaud, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda, và bà Hillary phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam đi tới đâu cũng dùng một chiếc nón lá đội đầu, tươi cười thích thú để các phóng viên quốc tế chụp ảnh.

Trải qua thời gian nhất là trong thời kỳ cả nước hội nhập, nghề làm nón ở làng Chuông ngày một phát triển, từ chỗ chỉ làm mặt hàng này phục vụ cho các bà các chị ở làng quê, nón Chuông nay còn là mặt hàng lưu niệm đối với du khách từ mọi phương xa đến với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai và những người đàn ông sang trọng.

Đến chợ vào ngày đúng phiên mới thấy hết được sắc mầu rực rỡ của một làng nghề truyền thống. Mầu trắng nón sáng lóa khắp nơi, tôn sắc hồng trên má các cô thôn nữ, cùng tiếng cười giòn tan, tiếng khoe hàng phát giá và mặc cả, những thứ đó hộn lại làm cho không gian chợ thêm náo nhiệt đậm đà bản sắc văn hóa chợ làng quê.
Nghề làm nón ở xứ sở này xuất phát từ đâu, trong làng không ai biết, họ chỉ  biết nghề nón phát triển mạnh mẽ nhờ vào  ông Hai Cát – một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi, là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ.

Muốn ăn cơm trắng cá trê. 

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông

 


Nón lá làng Chuông

 Cụ Phạm Thị Nguyên nghệ nhân làm nón chia sẻ: “ Cháu nội, cháu ngoại có đứa theo nghề, nhiều đứa theo chứ. Không làm thì lấy gì mà ăn, mà tiêu. Đây là truyền thống từ trước đến giờ, tôi rất mong có thể lưu giữ được nét đẹp truyền thống lâu đời về ngày sau”. Một ngày làm việc của một người thợ làm nón bắt đầu từ sáng tinh mơ. Khi mà vạn vật còn im ắng, khi tiếng gà trống chưa gáy dồn, họ đã chuẩn bị ra chợ. Người ra bán nón, người đi mua nguyên liệu, người đến mua nón. Chợ Chuông phiên chính, lại đang là mùa nón, nên người nào cũng tất bật. Mỗi năm chỉ có ba tháng: tháng năm, tháng sáu và tháng bảy là nón bán chạy nhất, có lúc nón làm ra không đủ không kịp để bán, các vòng xe cứ lăn bánh trên đường đều đều mà cũng chẳng nhớ đây là chuyến hàng thứ bao nhiêu các chị các mẹ chở nón ra chợ bán. Cũng chẳng thể nhớ đây là chiếc nón thứ bao nhiêu các chị các mẹ làm ra. Chỉ biết rằng nghề làm nón không là nghề của riêng gia đình ai, mà là nghề của cả họ hàng làng xóm của mỗi người từ trăm năm trước, ấy là nói đại thế, có ai biết đâu.

Nguyên liệu làm nón không nhiều thứ. Lá nón được lấy từ một loại cây họ nhà cọ ở vùng núi non Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều thì nón mới đẹp. Lá khi được mua về sẽ được vò trong cát để lá mềm rồi mới đem phơi khoảng hai, ba nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển thành màu bạc trắng. 


Lá nón được đem phơi 2,3 nắng trước khi thực hiện công đoạn làm nón

Sau đó người thợ dùng chiếc giẻ bọc vào lưỡi cày hơ trên than củi sao cho nhiệt độ vừa phải để là lá cho phẳng mịn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, căn cho nhiệt độ sao cho vừa phải để chiếc lá không bị cháy, đỏ. Nếu nhiệt độ không đủ, chiếc lá sẽ bị sống, không bóng đẹp.


Những chiếc lá nón được hơ trên than củi nóng để làm sao chó lá thật phẳng mịn

Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc được dấu kín, khiến khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo từng mũi kim qua 16 lớp vòng thì chiếc nón duyên dáng đã hình thành.


Nón làng Chuông rất nhiều kích cỡ khác nhau, bạn có thể đến và làm riêng một chiếc nón lá cho bản thân

 Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm làm cho màu nón trở nên trắng muốt và giúp nón không mốc. Cẩn thận hơn có thể quang dầu bên ngoài nón để làm cho nón bóng, đẹp và bền lâu.

Trong lúc khâu nón, các cô gái làng Chuông trang trí cho chiếc nón đẹp như dán vào lòng nón những hình hoa lá bằng giấy nhiều màu sắc. Tinh tế hơn, là dùng chỉ màu khâu giăng mắc ở hai điểm đối diện trong lòng nón để từ đó có thể buộc quai nón bằng những giải lụa mềm mại, đủ màu sắc, làm tôn thêm vẻ đẹp khuôn mặt các cô gái dưới vành nón.

Khung nón được làm cẩn thận từ trên tróp nón xuống

Vòng khung thân và vành nón làm bằng tre. Tre chọn loại ống dài gác lên giàn bếp hông khói, vừa dẻo bền lại chống được mối mọt. 

Khung nón được làm cẩn thận, cầu kỳ.

Nón chuông có mười sáu lớp vòng khung. Con số mười sáu là kết quả của sự nghiên cứu lựa chọn qua nhiều năm cho đến nay đã trở thành một nguyên tắc không thay đổi, tạo cho nón Chuông một nét thanh tú, cân đối với gương mặt người đội nón, không quá cũn chảnh mà cũng không sùm sụp. Nhưng làm nên vẻ đẹp của chiếc nón chủ yếu lại nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ lợp khâu nên nó. Người thợ khâu nón được ví như người thợ thêu. Vòng nón được đặt lên khuôn nón đã mang hình hài chiếc nón. Khuôn nón làm bằng tre ngà già khắc sẵn các khe đặt vòng nón đồng tâm. Lớp lá nón đầu tiên xếp lên khuôn là lớp trong, lợp một lớp mo nang ở giữa rồi phủ một lớp lá nón nữa lên trên và lớp ngoài.

Người thợ làng Chuông đan nón

Chiếc nón được người thợ làm rất cẩn thận và khéo léo.

 Xong, là đến công việc của người khâu. Khâu từ chóp xuống, từng mũi một thít chặt. Mỗi mũi khâu chỉ ước lượng thôi mà đều chằn chặn như đo. Những sợi móc dùng để khâu thường có độ dài ngắn khác nhau. Muốn khâu cho liên tục thì gần hết sợi nọ phải nối tiếp sợi kia. Cái tài khéo của người thợ làng Chuông là các mối nối sợi móc luôn được giấu kín. Nhìn vào mặt chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những sáu vòng nón, ấy là lúc chiếc nón duyên dáng đã thành hình. Vành nón dưới cùng được cườm dầy hơn, đặt một sợi guột viền màu nâu nhạt.

Phiên chợ nón lá làng Chuông

Một chiếc nón có giá dao động được bán với khoảng 40.000 – 70.000 đồng, có khi chiếc nón được bán với giá cao nhất tại làng Chuông đạt mức 150.000 đồng với nhiều họa tiết cầu kỳ. Nón lá làng Chuông nổi tiếng đẹp bền và mũi khâu mềm mại. Có người gắn bó với nghề làm nón từ xa xưa thì biết tường tận lịch sử của ông cha kể. Nhưng không ít người không hiểu hết về chiếc nón mà chỉ coi đó là một món hàng hóa sinh lời. Người đến buôn bán cũng có, người tới xem vì tò mò cũng có. Được biết chợ làng nón Chuông sẽ được đưa vào điểm đến tham quan của khách du lịch khi tới Hà Nội, tới Việt Nam. Chắc lúc đó chợ Chuông sẽ đông vui hơn bây giờ, và nhiều người tới đây sẽ sắm vài chiếc hoặc cả tá nón về như một thứ quà kỷ niệm. Mà nay người ta đã thức thời sản xuất thành chuỗi nón từ nhỏ đến lớn kiểu như giàn đèn chum, dùng treo trang trí trong phòng khách.

Làng chuông vẫn nhộn nhịp, cho đến người dân làng chuông từ già đến trẻ nhỏ đều biết làm nón

Không thể biết được chiếc nón kia sẽ đi đâu về đâu khi bước ra khỏi cái cổng làng Chuông. Nhưng có một điều ai cũng biết, là trong mỗi chiếc nón có tình cảm của mỗi người dân làng Chuông cùng một nét đẹp của nghề truyền thống đặc trưng. Mỗi chiếc nón là nơi lưu giữ niềm đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ. Dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì chiếc nón vẫn gắn bó với mỗi người một thời gian rất dài nữa. Có thể trong đời sống người thành phố hình ảnh chiếc nón lá chỉ còn để làm duyên làm dáng, hoặc chỉ còn trong kí ức, thì ở vùng quê, chiếc nón lá vẫn gần gũi như một chốn tìm về hình ảnh dân tộc. 

Cuộc sống hiện đại ngày nay người ta dùng mũ vải cho gọn hoặc dùng ô, chiếc nón lá từ bao đời nay vẩn gần gũi, quen thuộc đối với người phụ nữ Việt Nam, chẳng hề phân biệt giàu - nghèo, hèn - sang, từ người nông dân đến các thiếu nữ nơi đô thị. Trải qua thời gian và đổi thay của đời sống, nhưng những chiếc nón vẫn theo các bà, các mẹ, các chị hằng ngày không chỉ che mưa, che nắng mà còn tạo nên cái "duyên" rất đặc sắc, trở thành nét văn hóa của dân tộc Việt, làm ngỡ ngàng bao du khách nước ngoài.

 

Nguyễn Thị Thiên Phương

                                

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hàng hóa và thương hiệu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.