Xuất khẩu điện thoại, điện tử tăng nhanh trong quý I/2021

13/04/2021 8:45 (GMT+7)
Trong quý I/2021, ngành sản xuất điện thoại di động, điện tử và linh kiện đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực có giá trị lớn nhất trong các ngành xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2021, sản xuất điện thoại di động đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng sản xuất tivi cũng đạt hơn 4,45 triệu chiếc, tăng 30,9%. Điện thoại và linh kiện điện tử cũng là ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021, đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện cũng đạt 12 tỉ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của nhóm hàng này vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khối ngành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%.

Năm 2020, sản phẩm điện thoại di động sản xuất đạt 253,2 triệu cái, gấp 1,3 lần năm 2016; tivi lắp ráp đạt hơn 18 triệu cái, gấp 1,7 lần năm 2016. Riêng nhóm hàng điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu cả năm 2020 đạt 50,9 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2019 do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hiện, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Sản phẩm chính của ngành này là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, tivi lắp ráp, máy tính bảng, iPad và máy vi tính.

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh là do nhu cầu thị trường tăng cao. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, buộc người lao động phải làm việc ở nhà, khiến nhu cầu mua sắm các thiết bị hỗ trợ tăng cao. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất máy tính tại Trung Quốc, vốn được coi là công xưởng sản xuất của thế giới phải đóng cửa do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trang bị máy tính cá nhân cho lao động làm việc tại nhà, không đến công sở làm việc để phòng chống dịch bệnh lây lan.

Giữa bối cảnh ấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực điện tử ngày càng tăng. Đồng thời, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn. Bình quân trong giai đoạn này, chỉ số sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học mỗi năm tăng 13,94%, trong đó năm 2017 đạt mức tăng cao nhất 35,2%.

Trong quý 1/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình là dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Đây là dự án có ý nghĩa lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đáng chú ý nhất là Công ty Samsung Electronics, đóng góp trung bình tới hơn 1/5 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện thoại di động thông minh của Tập đoàn Samsung Electronics trên thế giới.

Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu ngành điện thoại, điện tử và linh kiện được kỳ vọng sẽ tăng cao khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục sau đại dịch, các hiệp định thương mại tự do được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI,... Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA sẽ là đòn bẩy cho ngành sản xuất này phát triển mạnh.

Thu Thủy/Báo Công Thương

 
Có thể bạn quan tâm: xuất nhập khẩu điện thoại
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.