Họp báo thường kỳ quý I/2025 Bộ Công Thương
Kinh tế thế giới chưa hết khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được đà phục hồi tích cực
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nước tiếp tục đối mặt với lạm phát, xung đột địa chính trị và dòng vốn đầu tư dịch chuyển phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc rõ rệt trong quý đầu năm 2025, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu.”
Theo báo cáo từ Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 2 tháng đầu năm tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành chế biến chế tạo, với mức tăng 9,3%. Xu hướng này được củng cố thêm khi chỉ số PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) của tháng 3 đạt 50,5 điểm, vượt mốc trung tính và là mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Sự phục hồi của sản xuất công nghiệp không chỉ phản ánh niềm tin của doanh nghiệp đang dần được cải thiện, mà còn cho thấy các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả rõ rệt trên thực tế.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo thường kỳ
Cung ứng điện ổn định, chủ động chuẩn bị cho mùa khô 2025
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng – đặc biệt là điện – đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Tổng sản lượng điện toàn hệ thống trong quý I ước đạt 67,8 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2024, tương đương khoảng 19,8% kế hoạch cả năm. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và chủ động trong công tác vận hành, hệ thống điện quốc gia được đảm bảo an toàn, ổn định, không xảy ra thiếu hụt điện trên diện rộng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương khuyến cáo không chủ quan. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục bám sát tình hình thủy văn, tiến độ các dự án nguồn điện và lưới điện, đặc biệt trong bối cảnh mùa khô năm nay được dự báo sẽ khắc nghiệt và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm.
Xuất nhập khẩu tăng hai con số, xuất siêu tiếp tục được duy trì
Một điểm sáng khác là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, khi tổng kim ngạch quý I/2025 ước đạt 202,5 tỷ USD, tăng mạnh 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 102,8 tỷ USD (tăng 10,6%), còn nhập khẩu đạt 99,68 tỷ USD (tăng 17%), giúp Việt Nam tiếp tục xuất siêu 3,15 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng 15%, cao hơn mức tăng 8,3% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – một tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng trong nước đang bước đầu đạt hiệu quả.
Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tiếp theo là EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Phòng vệ thương mại: “Lá chắn” cho doanh nghiệp trong nước
Một nội dung được báo chí đặc biệt quan tâm là tình hình phòng vệ thương mại. Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tính đến hết quý I/2025, Việt Nam đang phải đối mặt với 282 vụ điều tra phòng vệ thương mại do 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng, trong đó riêng các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Ấn Độ, Indonesia… chiếm đa số.
Tuy vậy, Việt Nam cũng chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ để bảo vệ sản xuất trong nước, với 25 vụ việc đang được Bộ Công Thương điều tra, áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hoặc tự vệ, tập trung ở các ngành thép, phân bón, hóa chất, nhựa và sợi.
Bộ Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật, tránh việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ một cách thiếu căn cứ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
Tiếp tục bám sát thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tổng kết buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu.
“Chúng tôi xác định phải đi từng ngành, bám từng doanh nghiệp, theo dõi sát từng thị trường để kịp thời ứng phó trước mọi biến động. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí đầu vào, lãi vay và giá năng lượng còn cao, Bộ Công Thương sẽ cùng các bộ, ngành kiến nghị các chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh,” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lam Giang