Sắc xuân trên quê hương Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

21/12/2022 14:25 (GMT+7)
Làng tăm hương truyền thống Quảng Phú Cầu nằm ven Quốc lộ 21B, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 35km. Đây là làng nghề tăm hương truyền thống duy nhất còn tồn tại ở Thủ đô sau hơn 100 năm. Ban đầu, nơi đây được biết đến là địa điểm chuyên làm chân hương cho nhiều địa phương làm hương trên cả nước, như Hưng Yên, Hải Dương, Hồ Chí Minh,… Tuy nhiên, sau đó, ngoài sản xuất chân hương, Quảng Phú Cầu còn sản xuất hương để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, chúng tôi về thăm Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu – huyện Ứng Hòa - Hà Nội bắt gặp không khí lao động sản xuất nhộn nhịp. Hoạt động làm tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu diễn ra sôi động suốt cả năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là vào khoảng 2, 3 tháng trước Tết cổ truyền dân tộc. Những ngày này, khắp các làng trên, xóm dưới, nhà nào cũng tất bật sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Dọc khắp con đường, ngõ xóm, sân đình, bờ mương những đóa hương sặc sỡ sắc màu đang bung nở rực đỏ một vùng trời.

Trước đây, nghề làm tăm hương chỉ tập trung tại thôn Phú Lương Thượng với quy mô nhỏ lẻ, sau đó đã được mở rộng ra toàn xã. Từ chỗ chỉ là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn; đến thời điểm hiện tại, nghề làm tăm hương đã phát triển, trở thành công việc chính, đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân tại đây.

Trước kia, hương được se hoàn toàn bằng tay. Giờ đây đã có sự trợ giúp của máy móc nên năng suất tăng lên nhiều.

Là chủ một cơ sở sản xuất hương sạch tại đây, anh Thiệu Văn Ước cho biết, bên cạnh màu đỏ, màu vàng đơn thuần, anh đã tìm hiểu và sử dụng hoa đậu biếc, bột lá cây,... để giúp chân hương có được nhiều màu sắc nổi bật, tươi tắn. Ngoài ra, anh Ước còn mua thêm nhiều đèn lồng và dùng chính sản phẩm của làng nghề để trang trí cho cơ sở sản xuất hương thêm ấn tượng.

Anh Ước cho biết thêm,trước đây, để làm ra được những que hương, người thợ phải thực hiện các công đoạn hoàn toàn thủ công. Những năm trở lại đây, gia đình anh quyết định đầu tư một số máy móc hiện đại giúp tăng hiệu quả công việc.  “Ngày trước, những cây nứa, vầu sẽ được người thợ chẻ, tuốt và vót bằng tay. Điều này khiến chúng tôi tốn nhiều nhân lực mà hiệu quả đem lại không cao. Bây giờ đơn đặt hàng ngày càng nhiều, nếu không áp dụng công nghệ hiện đại vào hỗ trợ sản xuất để tăng năng suất thì khó mà đáp ứng hết các đơn hàng trong và ngoài nước”, anh Ước nói.

Mặc dù tăm hương vào vụ Tết rất bận rộn, nhưng những người thợ làm tăm hương xã Quảng Phú Cầu luôn tâm niệm, hương là sản phẩm mang giá trị tâm linh, gắn liền với tín ngưỡng của người Việt Nam; cho nên, người làm không được phép cẩu thả, qua loa. Theo đó, để làm ra được thành phẩm đạt chuẩn, người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn.

 Đầu tiên, đó là công đoạn tuyển chọn nguyên liệu. Với một sản phẩm truyền thống mang cả yếu tố tâm linh, những người làm tăm hương ở Quảng Phú Cầu luôn tỉ mỉ, kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Vầu dùng làm tăm hương phải đủ độ tuổi và được những người thợ tuyển chọn, sàng lọc kỹ càng. Nguyên liệu để làm tăm hương chủ yếu là cây vầu (cùng họ với tre nứa) được chuyển từ các vùng như Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn,….

Những thanh tre, vầu được tách nhỏ ra để chuẩn bị đưa vào máy làm chân hương.

Sau khi vầu được chuyển về bãi tập kết của xã, các đơn vị sản xuất sẽ thu mua và làm khô bằng cách cho vào lò sấy hoặc phơi nắng từ 5 đến 7 ngày. Tiếp đó, vầu đã phơi khô sẽ được đưa vào hệ thống máy chẻ tự động để cho ra sản phẩm tăm hương đều tròn tăm tắp. Cuối cùng, những que chất lượng sẽ được đem đi nhuộm chân hương rồi phơi khô, còn những chiếc que có chất lượng kém hơn sẽ được dùng để tái chế. Sau khi đã hoàn tất các công đoạn sản xuất, tăm hương sẽ được cột gọn gàng thành từng bó rồi chuyển đến các tỉnh, thành phố để se hư ơng thành phẩm.

Từ sân nhà cho đến những con đường lớn nhỏ đâu đâu cũng đỏ rực chân hương

Từ chỗ chỉ là nghề phụ, người nông dân tranh thủ làm khi nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh, trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ ở Quảng Phú Cầu. Ngoài làm tăm hương, từ vầu, tre, nứa, người dân Quảng Phú Cầu cũng đã phát triển các sản phẩm như tăm tre, que xiên, chổi tre… phục vụ nhu cầu thị trường.  

Nức tiếng 4 phương với nghề làm hương truyền thống theo phương thức cổ truyền cha ông để lại, người dân xã Quảng Phú Cầu vẫn hàng ngày tạo ra những nén hương thơm tự nhiên, mang đậm nét đặc trưng không nơi nào có được.

Theo chia sẻ của một số người dân, dịp Tết năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh việc tiêu thụ có phần chậm hơn so với mọi năm nhất là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hương là mặt hàng thiết yếu vào mỗi dịp Tết nên đầu ra vẫn ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Đến nay, nghề làm tăm hương không chỉ đem lại cuộc sống đủ đầy cho người dân Quảng Phú Cầu mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Kim Ngọc

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.