Hướng đến Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan

17/03/2024 10:00 (GMT+7)
Ngày 15/3, Hội thảo “Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực” đã được tổ chức tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Hội thảo là tiền đề nhằm thực hiện các đề án, cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội dự kiến áp dụng tại Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung để lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Lào để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet tiếp tục hoàn thiện Đề án và dự thảo nội dung Hiệp định giữa hai Chính phủ.

Định hướng thời gian tới, Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung đi vào vận hành sẽ có tính khả thi cao, phù hợp tình hình thực tiễn và mối quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới và thực sự có sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh tại khu vực nhiều tiềm năng này.

Theo ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, từng bước hình thành nên diện mạo của đô thị vùng biên giới, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Trị cũng như hành lang kinh tế Đông - Tây về phía Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, do nhiều nguyên nhân, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo chưa phát triển được như kỳ vọng; có những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách cần được tháo gỡ, tạo động lực mới cho khu vực Lao Bảo - Đensavan phát triển phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

“Để Khu Kinh tế - Thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan sớm đi vào vận hành và hoạt động có hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đã xác định bên cạnh việc phối hợp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, thì phải đồng thời tiến hành điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và phối hợp với tỉnh Savannakhet điều chỉnh quy hoạch Khu Thương mại biên giới Đensavan phù hợp với định hướng phát triển mới và tích cực quảng bá thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại hai Khu kinh tế: Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Thương mại biên giới Đensavan, cả ba nội dung trên đang được tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet phối hợp triển khai thực hiện”, ông Hưng cho biết.

Phát biểu tại hội thảo, ông Sen xắc su ly xắc - Phó tỉnh Trưởng tỉnh Savannakhet- CHDCND Lào chia sẻ, việc thành lập Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan, Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet nhận thấy tầm quan trọng của sự thống nhất cao trong quá trình thành lập và sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để khu kinh tế nói trên chính thức được thành lập, trở thành biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước Lào - Việt Nam, tăng cường và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị tỉnh Savannakhet và tỉnh Quảng Trị; khuyến khích và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được tốt hơn.

Tại Hội thảo, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet đã thống nhất đề nghị các bộ, ngành hữu quan của hai nước tham mưu Chính phủ Việt Nam và Lào ký kết hiệp định về thí điểm xây dựng Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo -Densavan làm cơ sở pháp lý để tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet có căn cứ xây dựng các quy chế phối hợp trong quản lý, vận hành Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung.

Ý kiến các chuyên gia tại hội thảo khẳng định bối cảnh tình hình mới hiện nay và xu hướng phát triển trong tương lai đặt ra những yêu cầu và cách tiếp cận mới, định hướng phát triển của Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung phải hướng tới hình mẫu “Khu thương mại tự do” kiểu mới, đó là hình thành các trung tâm logistics “thế hệ mới” quốc tế, khu công nghiệp “phát triển xanh”, gắn liền đô thị thông minh, sáng tạo.

 

Theo đề án cơ bản đã được thống nhất, khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung về phía Việt Nam sẽ bao gồm khu vực khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo có diện tích 15.854ha. Phía Lào bao gồm khu vực khu thương mại biên giới Densavan từ Bản Đông đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu), có chiều dài 19km dọc theo sông Sê Pôn và tuyến Đường 9, chiều rộng khoảng 1km, gồm 13 bản. Khi triển khai, hai bên cùng xây dựng một khu kinh tế thương mại xuyên biên giới đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước, có sự kết nối về hạ tầng và chính sách, nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình.

 

Khánh Nam - Quốc Anh

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.