Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam với Lào và Campuchia

15/07/2024 9:55 (GMT+7)
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia từ ngày 11-13/7/2024. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết và mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, trong đó có hợp tác thương mại biên giới.
Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane. Ảnh:TTXVN

Việt Nam và Lào hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, tạo thuận lợi giao thương biên giới giữa hai nước, giảm bớt thời gian và chi phí so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Lào tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại song phương 5 tháng đầu năm 2024 đạt 779,6 triệu USD, tăng 11% so mức cùng kỳ năm 2023. Về đầu tư, Việt Nam hiện có 241 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD, duy trì vị trí thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam dành cho Lào. Hợp tác quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố cả về chất và lượng, thông qua việc tích cực triển khai các nghị định thư, kế hoạch hợp tác đã ký kết. Ngoài ra, các lĩnh vực hợp tác giao thông, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân... được quan tâm, thúc đẩy.

Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) là cửa khẩu biên giới tiêu biểu, kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt – Lào (Ảnh TTXVN)

Lào và Campuchia là hai nước láng giềng của Việt Nam cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng chung dòng sông Mekong hiền hòa và núi Trường Sơn vĩ đại.

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia khởi đầu từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (đồi 1086 gần Bờ Y-Kon Tum) kéo dài đến sát mép biển Hà Tiên (cột mốc 314), tỉnh Kiên Giang, đi qua 10 tỉnh biên giới miền Tây Nam của Việt Nam (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), tiếp giáp với 9 tỉnh biên giới của Căm-pu-chia (Ratarakiri, Mônđunkiri, CôngpôngChàm, Carachê, Sveyriêng, Prâyveng, Kầnđan, Tàkeo và Kămpốt) với chiều dài khoảng 1.137km.

Lợi thế để phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, thị trường quan trọng và nổi bật nhất chính là vị trí chính trị, kinh tế trong cả hiện tại và tương lai. Các tỉnh trên tuyến vành đai biên giới giữa 02 quốc gia đều có một hệ thống cửa khẩu quốc tế và quốc gia đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và nâng cấp trong những năm vừa qua.

Chủ tịch nước Tô Lâm với Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong chuyến thăm Campuchia ngày 13/4/2024. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, Việt Nam và Campuchia cũng dành những ưu đãi về thuế xuất-nhập khẩu cho các loại hàng hóa của doanh nghiệp hai bên.

Việt Nam hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% đối với 26 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia. Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam.

Theo đánh giá từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Xuất nhập khẩu hàng hoá tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, thuộc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh TTXVN)

Ước 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia đạt 5,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,9 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công về mọi mặt, là dấu ấn mới trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào và quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.

Các cơ quan liên quan của ba nước đã phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác, phát triển, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tỉnh biên giới, phát triển kinh tế khu vực biên giới, đồng thời tạo điều kiện cho người dân đi lại, làm ăn, hàng hóa qua lại, thúc đẩy gia tăng hơn nữa kim ngạch thương mại trong thời gian tới.

Hồng Như (t/h)

 

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
https://thtruefood.com.vn/
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.