Tham gia đoàn có các đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam; nhiều nhà báo lão thành, đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và 350 đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí khắp cả nước.
Đoàn đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà Tưởng niệm Người
Trong hành trình về nguồn, Đoàn công tác đã thành kính dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK
Tiếp theo, Đoàn đến dâng hương tại di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội từ khi thành lập đến nay.
Đoàn đến dâng hương tại di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam và tham quan Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam - Ôn lại truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo qua các thời kỳ
Tại địa điểm này, ngày 21/4/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, sự kiện ghi mốc son trong sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam từ 300 hội viên khi mới thành lập, đến nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có hơn 25.500 hội viên, nhà báo, phóng viên, nhân viên hoạt động báo chí.
Sự ra đời của Hội không chỉ đánh dấu bước trưởng thành về mặt tổ chức của giới báo chí mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm ngày càng lớn lao của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. 75 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, tập hợp và đoàn kết đội ngũ những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trong hành trình về nguồn, Đoàn cũng đã đến dâng hương và thăm Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (xã Tân Thái, huyện Đại Từ). Đây là ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện vào ngày 4/4/1949 - cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên và duy nhất của Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên và duy nhất của Báo chí cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Tại mái trường này, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đã có bài phát biểu xúc động, tri ân các thế hệ nhà báo tiền bối và khẳng định vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong bối cảnh hiện nay.
"Trong không khí thiêng liêng của mảnh đất ATK lịch sử, tôi vô cùng xúc động được đứng tại trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - cái nôi đào tạo những thế hệ nhà báo chiến sĩ cách mạng đầu tiên," ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng
Chương trình “Về nguồn” có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tưởng niệm, ghi nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà báo, chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng; góp phần giáo dục truyền thống để các thế hệ cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam viết tiếp bản hùng ca báo chí cách mạng bằng ngôn ngữ của thời đại số, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hồng Như