Hà Nội: Đổi mới công nghệ giúp các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn

09/10/2021 20:55 (GMT+7)
(KD&BM) - Nhằm giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của thủ đô nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm phát thải, Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công thiết thực, trong đó trọng tâm là hỗ trợ cơ sở đổi mới công nghệ, đưa máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố có quy mô nhỏ, nên đa phần chưa có khả năng đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Vì vậy, sản phẩm sản xuất ra chưa có sức cạnh tranh, hoạt động sản xuất tốn nhân công, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp từng bước hòa nhập với xu hướng chung, nâng cao tính cạnh tranh, TP. Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động khuyến công thiết thực, trong đó đáng chú ý là chương trình hỗ trợ cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất.

Ông Vương Ðăng Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội nhận định, cùng với các chính sách hỗ trợ của thành phố, các hiệp hội làng nghề, các hộ sản xuất, các doanh nghiệp đã chủ động quan tâm, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất. Điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Tràng Tiền (tại cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín) đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng cho dàn lạnh Guntner GHN 071.2H/210-EHS50.E để làm kem; Công ty TNHH Bia thủ công Hà Nội (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) đầu tư 880 triệu đồng cho hệ thống nấu bia 400L tự động... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.

Các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả. Ảnh minh họa.

Hơn 10 năm qua, Thành phố đã hỗ trợ hơn 100 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ. Riêng năm 2020, các chương trình khuyến công đã tập trung hỗ trợ, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện môi trường làm việc và sản xuất sạch hơn; kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố với các đối tác trong và ngoài nước.

Sở Công Thương cũng đã hỗ trợ 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất thuộc các nhóm ngành: Thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản xuất dược phẩm, chế biến thực phẩm, đồ uống...

Song song hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cung cấp thông tin phát triển sản phẩm mới…, Sở Công Thương còn phối hợp với một số sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội và hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố tổ chức 46 cuộc khảo sát, thẩm tra lựa chọn đơn vị thụ hưởng đề án khuyến công, 30 cuộc kiểm tra việc triển khai thực hiện đề án khuyến công, 16 cuộc nghiệm thu đề án khuyến công tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Việc này đã góp phần lựa chọn được các cơ sở công nghiệp nông thôn đáp ứng đủ tiêu chí, yêu cầu để hỗ trợ, cũng như đánh giá kết quả công tác khuyến công trong thực tế.

Ngoài ra, Sở đã phối hợp với 7 huyện (Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai) và Thành đoàn Hà Nội, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Liên minh Hợp tác xã Thành phố tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, marketing, thiết kế mẫu mã sản phẩm... cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, tổ chức 6 lớp tập huấn về chính sách khuyến công cho 600 cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã và các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thành phố.

Năm 2021, Sở sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch khuyến công thành phố Hà Nội với các mục tiêu: Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đồng thời khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…

Có thể khẳng định, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất hầu hết đều phát huy được hiệu quả. Thành công của các mô hình đã khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường…

Thu Hường

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.