Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số

01/06/2022 0:35 (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế có chiều hướng giảm ở phạm vi toàn cầu do những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì kinh tế số tại Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng cao, có chiều hướng gia tăng.

Tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực

Theo Báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain Economy, kinh tế số Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực với 16%/năm, trong khi đó Indonesia là 11%/năm và Thái Lan là 7%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong các ngành hàng, dịch vụ trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025 cao như thương mại điện tử, vận tải và thực phẩm, du lịch trực tuyến, nội dung nghe nhìn trực tuyến sẽ tăng trưởng lần lượt là 32%, 24%, 44% và 16%. Đặc biệt, vào năm 2030, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD, đứng thứ 2 Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia), quy mô kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP.

Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Ảnh: Hương Giang

Chỉ tính tính riêng trong quý I/2022, theo báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và truyền thông tại phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra vừa qua, đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng. Theo ước tính, doanh thu kinh tế số quý 1/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế số đến từ việc tham gia mạnh mẽ của nhiều quỹ đầu tư vào các startup công nghệ, tạo ra một môi trường đầu tư năng động đối với các công ty công nghệ trong vài năm qua. Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2021, vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các startup Việt Nam trong năm qua đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số kỷ lục 874 triệu USD ghi nhận vào năm 2019. Con số giao dịch của các thương vụ gọi vốn giá trị trên 10 triệu USD đã vượt mức 1 tỷ USD, tăng tới 255% so với năm 2020. Cũng trong năm 2021, Việt Nam vẫn có thêm hai kỳ lân công nghệ mới là Momo và Sky Mavis, nâng tổng số kỳ lân công nghệ lên con số 4.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, mục tiêu được đặt ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mới được Chính phủ ban hành sẽ không phải dễ. Bởi, trong khoảng thời gian 8 năm tới, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số cần tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng hoàn thành mục tiêu đóng góp của kinh tế vào GDP trong kế hoạch đã đề ra.

Nhìn nhận về vấn đề này, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định mục tiêu đặt ra là khả thi. Bởi kinh tế số đang là động lực tăng trưởng quan trọng nhất hiện nay, những dự báo về GDP liên tục giảm, thì dự báo kinh tế số lại liên tục tăng. Nếu dự báo SEA 2021 và ước lượng quy mô GDP vào năm 2030 cùng đúng thì tỷ trọng kinh tế số trên GDP là khoảng 30%, số liệu này rất trùng khít với mục tiêu đóng góp 30% của kinh tế số mà Văn kiện Đại hội Đảng đã đề ra.

Cùng chung nhận định này, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch Momo cho biết, mức tăng trưởng của kinh tế số có thể tính bằng lần qua mỗi năm chứ không chỉ dừng lại ở 20-30%. Vì vậy, nếu Việt Nam thúc đẩy được toàn bộ nền kinh tế theo hướng số hóa, đóng góp của kinh tế số đến năm 2030 thậm chí có thể lên mức 60%. Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đánh giá, trong 2 năm qua kinh tế số tăng nhanh tại Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng trong giai đoạn 2021-2025 Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn. Bởi kinh tế số chính là một trong ba động lực rõ nét, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

Cải thiện mức độ sẵn sàng số hóa

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra về tăng trưởng kinh tế số cũng không phải chuyện dễ dàng. Một số chuyên gia phân tích, kinh tế số công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ITC) tại Việt Nam đã chiếm khoảng 5,5% GDP, cao hơn mức bình quân toàn cầu là 4,5% nên dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chưa cao dù Nhà nước đã có những quyết sách kịp thời và việc triển khai thực hiện cũng bắt đầu được đẩy mạnh trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp chưa theo đuổi những ý tưởng kinh doanh mới có sức đột phá, còn bị động, năng lực tiếp nhận ứng dụng phát triển công nghệ hiện đại còn thấp...

Mức độ sẵn sàng số hóa của Việt Nam chưa cao. Ảnh: Hương Giang

Để giải quyết những thách thức cho kinh tế số, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số. Nếu các doanh nghiệp đồng lòng thực hiện thì mục tiêu đó có thể còn thấp, còn các doanh nghiệp vẫn cứ trông chờ vào Chính phủ thì là một mục tiêu cao. Do đó, để hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số đạt khoảng 20% GDP giai đoạn 2021-2025 thì doanh nghiệp phải hành động ngay như đổi mới quy trình sản xuất - kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại, điều này giúp tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số cần cả khung pháp lý và nguồn lực. Một chuyên gia đề xuất, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng bằng các quy định có hấp dẫn, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực vào các dự án phát triển công nghệ số, hạ tầng số. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như tạo vốn kích cầu, ưu đãi giảm chi phí trong sử dụng dịch vụ công. Cần xem một trong những việc đáng làm nhất để phát triển kinh tế số là thu hút nhân tài công nghệ từ khắp thế giới về khởi nghiệp, làm việc tại địa phương bằng các cơ chế chính sách ưu đãi.

Ngoài ra, khi chia sẻ về kinh tế số với báo chí, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tận dụng hiệu quả các cơ hội chuyển đổi số để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế số như các mô hình kinh doanh trực tuyến, hội họp trực tuyến, hạ tầng cáp quang, internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G… Đồng thời, cần phát triển và làm chủ các công nghệ số, phát triển nền tảng công nghệ số cho các hệ sinh thái công nghiệp, phát triển mô hình nhà máy thông minh, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở số hóa và các nền tảng số, kết hợp tự lực, tự cường và hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi công nghệ, thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển công nghệ số và hiện đại số.

Phong Việt

Có thể bạn quan tâm: phát triển kinh tế số
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.