Đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm

04/07/2023 8:45 (GMT+7)
Chiều 3/7/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm 2023 do Bộ Ngoại giao tổ chức. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau 4 tháng kể từ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác Ngoại giao kinh tế, Hội nghị này nhằm tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả, đúc rút các bài học kinh nghiệm về triển khai công tác NGKT thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư là phải đưa NGKT trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của đối ngoại, trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới, khu vực thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đây không chỉ là những điều chỉnh mang tính giai đoạn mà là những chuyển đổi có tính hệ thống, mang tính cơ cấu, tác động sâu rộng, dài hạn. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh VGP)

Thủ tướng đánh giá cao việc thực hiện tốt ngoại giao vaccine đã góp phần giúp nước ta kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa sớm trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, thấp hơn trần quy định (tương ứng là 60% GDP và 50% GDP).  

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đang đứng trước "6 cơn gió ngược" với cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước: (1) Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (2) Hậu quả của đại dịch COVID-19 còn kéo dài; (3) Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (4) Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (5) Các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài; (6) Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực, đặc biệt là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp…

Thủ tướng nêu rõ, trong quý II năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 4,14%, 6 tháng đầu năm đạt 3,72%; do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra (6-6,5%) thì phải cố gắng rất lớn, nỗ lực rất cao. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng; đầu tư, gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI; xuất khẩu).

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, toàn ngành ngoại giao luôn quán triệt và nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng chiến lược, nội dung cơ bản và định hướng công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bám sát tinh thần Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Chỉ thị 15, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành ngoại giao đã xác định, quán triệt ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản và trung tâm của các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và hoạt động ngoại giao kinh tế với phương châm quyết liệt, thực chất, hiệu quả, có kết quả cụ thể, lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương là trung tâm phục vụ, thiết thực đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh nguồn VOV)

Thủ tướng cho biết, tình hình trong nước và quốc tế từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn. Thách thức đặt ra trong hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo là rất lớn. Thủ tướng đề nghị, quán triệt và bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, nhất là ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, chỉ đạo tại Chỉ thị 15 của Ban Bí thư; Chương trình hành động của Chính phủ về Ngoại giao kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước; chủ động, tích cực kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước; Ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn…; đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ; Có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu; Không chính trị hóa các quan hệ kinh tế; Tăng cường hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý một số nội dung như, tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại. Cần tìm ra các điểm mới và thúc đẩy quyết liệt các nội dung hợp tác kinh tế trong các hoạt động đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể. Nghiên cứu, thúc đẩy hình thành các khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu... Phải có ngay các biện pháp, giải pháp cụ thể để đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, tạo “cú huých” cho các động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là xuất khẩu và đầu tư.

Về xuất khẩu Thủ tướng chỉ rõ, phải củng cố thị trường cho các hàng hóa xuất khẩu chủ lực; Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, thâm nhập vào các thị trường mới tiềm năng. Mở rộng mạng lưới FTA với các đối tác tiềm năng. Kịp thời, chủ động thông tin, cảnh báo các doanh nghiệp trong ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, các tiêu chuẩn mới của các nước nhập khẩu. Tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Về đầu tư FDI Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục bám sát, tiếp cận, vận động các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vừa qua đã tới Việt Nam khảo sát, cụ thể hóa các cam kết, ý định đầu tư thành các dự án hợp tác cụ thể, nhất là các dự án đầu tư chất lượng cao. Thu hút vốn FDI đi đôi với hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất với doanh nghiệp nước ngoài. Rà soát tổng thể, khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho các dự án sử dụng vốn ODA, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, trong các lĩnh vực ưu tiên; Tiếp tục thúc đẩy du lịch, xuất khẩu lao động.

Hồng Như (t/h)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Tin tức, sự kiện
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.