Thực trạng hiện nay, mỗi cơ quan ở khu vực cửa khẩu như: Hải quan, Biên phòng… đều có các phần mềm quản lý theo chuyên ngành, nhiệm vụ được giao khác nhau theo hệ thống quản lý của cơ quan chủ quản, nên việc triển khai nền tảng cửa khẩu số vẫn gặp một số khó khăn trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa nền tảng với hệ thống thông tin của các bộ ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự liên thông, gắn kết giữa các hệ thống này với nền tảng cửa khẩu số để từ đó có sự kết nối thông tin liền mạch, xuyên suốt và đồng nhất, khi đó các cơ quan trong khu vực cửa khẩu sẽ đóng vai trò "giám sát chéo" để hạn chế tối đa các tiêu cực, thiếu minh bạch trong quá trình hoạt động của các lực lượng.

Đây là một vấn đề mới, pháp luật của chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về mô hình này, các Hiệp định của ta với Trung Quốc về vận tải hàng hóa trên đất liền cũng chưa có mô hình phương tiện không người lái thực hiện vận chuyển hàng hóa sang 2 Bên. Cùng với đó là những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư... cũng cần tiếp tục được Trung ương và địa phương quan tâm, cũng như xã hội hóa nguồn vốn để triển khai mô hình cửa khẩu thông minh này.
Với trọng tâm là nền tảng Cửa khẩu số, nâng cấp hơn nữa là Cửa khẩu thông minh, các tỉnh biên giới có cửa khẩu sẽ phát huy được tối đa tiềm năng thế mạnh của mình trong kinh tế cửa khẩu, qua đó góp phần hiện đại hóa khu vực cửa khẩu, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa thiết yếu từ nước bạn để phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
Khánh Nam